Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư có các tài nguyên du lịch sinh thái tiêu biểu như: cảnh quan thiên nhiên hệ sinh thái đất ngập nước; sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa; các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước; trải nghiệm các phong tục, tập quán, nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực của cộng đồng địa phương...
Trong tổng số 845 ha của rừng tràm Trà Sư hiện đã có 159 ha đang được cho Công ty Cổ phần Du lịch An Giang thuê để khai thác du lịch sinh thái trong 20 năm. Các hoạt động du lịch sinh thái có thể được tổ chức tại 686 ha còn lại. Theo đề án, giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang coi trọng việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, nhằm góp phần bảo tồn rừng đặc dụng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương một cách bền vững.
Theo UBND tỉnh An Giang, rừng tràm Trà Sư là hệ sinh thái đất ngập nước, nên việc quản lý phải theo cách tiếp cận hệ sinh thái một cách bền vững, vẫn duy trì được các chức năng, giá trị, đặc điểm của hệ sinh thái và tài nguyên đất ngập nước, đặc biệt là rừng tràm, thủy sản, các loài chim nước và cảnh quan thiên nhiên. Việc sử dụng các tài nguyên này và việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cần theo hướng “hiện đại” nhưng vẫn gìn giữ được giá trị “thiên nhiên” vô cùng quý giá bởi nét hoang sơ, nguyên vẹn.
Dự kiến, trong năm 2022-2023, tỉnh An Giang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và giai đoạn từ 2024 bắt đầu thực hiện các hoạt động du lịch tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983. Từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng khu đất đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Khu rừng rộng 845 ha, nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên và một phần trên đất của xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú.
Rừng Tràm Trà Sư có tính đa dạng của hệ sinh thái đất ngập nước được bảo vệ, bảo tồn nguồn gen tốt. Có hàng ngàn cá thể của nhiều quần thể chim, cá, loài lưỡng cư, loài bò sát và côn trùng quý hiếm nằm trong sách đỏ sinh sống trong rừng. Năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang về việc xây dựng rừng tràm Trà Sư trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên để mọi người đến tham quan và nghiên cứu khoa học.