Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: Mục tiêu của tỉnh là đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp cao nâng tầm đẳng cấp quốc tế, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa miền đất, con người Quảng Ninh; trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 - 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế vào năm 2020; đến năm 2030, tổng khách du lịch đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt, góp phần quan trọng để Quảng Ninh có cơ cấu kinh tế dịch vụ đi đầu vào năm 2020.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định: Du lịch Quảng Ninh còn gặp rất nhiều thách thức trên con đường phát triển. Đó là vừa phải tập trung phát triển nhanh du lịch, vừa phải chú trọng bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa với các ngành sản xuất công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng để phát triển bền vững; phát triển du lịch đồng bộ với việc phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; phát triển du lịch với việc thúc đẩy các loại hình văn hóa bản địa, tạo được sự riêng biệt của điểm đến Hạ Long. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu trước mắt và lâu dài; quyết liệt trong công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh để mang lại hình ảnh tốt đẹp trong du khách.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng: Ngoài các loại hình du lịch truyền thống, gần đây Quảng Ninh còn có một loại hình du lịch mới - du lịch “thể chế”, du lịch PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) nhờ có những sáng tạo mạnh mẽ trong cải cách hành chính, điều hành kinh tế -xã hội trở thành điểm sáng của cả nước, nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm. Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất ở phía Bắc, Quảng Ninh có lợi thế và đủ điều kiện để phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch, song cần xây dựng mối liên kết với các tỉnh, thành phố để cùng phát triển.
Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung đánh giá môi trường đầu tư năng động với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự gia nhập của các doanh nghiệp đầu tư chiến lược với mong muốn kiến tạo những hệ sinh thái đồng bộ để từng bước định hình thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh. Tập đoàn FLC xác định Quảng Ninh là địa bàn đầu tư chiến lược của Tập đoàn. Đến với Quảng Ninh, bên cạnh những tiềm năng giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên sự ra đời của sân bay quốc tế Vân Đồn cũng là một trong những lợi thế lớn để phát triển du lịch.
Theo Tiến sỹ kinh tế Trần Đình Thiên, du lịch Quảng Ninh muốn phát triển cần tập trung nội lực để tạo bước đột phá; chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng số, kết nối số một cách vượt trội. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch gợi ý, Quảng Ninh là vùng đất di sản nên chọn “triết lý xanh” cho phát triển du lịch với hạ tầng xanh, đô thị xanh và giảm bớt bê tông hóa.
Các đại biểu dự hội thảo đều nhận định, để du lịch phát triển vươn tầm di sản, Quảng Ninh cần chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở, đô thị tầm quốc tế; chú trọng việc đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch và bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững.