Du lịch làng nghề 'đánh thức' tiềm năng sẵn có nơi đất Tổ

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của quê hương đất Tổ như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hát xoan Phú Thọ hay di sản văn hóa phi vật thể ca trù cho đến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, trải nghiệm... thì du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Cơ sở sản xuất thịt chua đu đủ cô Hoàng Thị Sáu tại khu 2B, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương biết khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp “đánh thức” các tiềm năng sẵn có ở nhiều địa phương.

Hút khách từ những sản phẩm độc đáo

Nằm bên dòng Lô giang thơ mộng, làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi nét cổ kính, kiến trúc độc đáo của ngôi đình hơn 300 năm tuổi, những ngôi nhà cổ, làng nghề truyền thống, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các phong tục tập quán của cư dân Việt thuở xưa. Đến với Hùng Lô ngày nay, du khách còn được trải nghiệm gói bánh chưng trong không gian cổ kính, tham quan làng nghề làm mỳ, miến và thưởng thức những món bánh dân dã, đặc trưng của vùng đất Tổ.

Ông Đào Văn Khang, một thành viên trong đoàn du khách tham quan làng nghề Hùng Lô ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ, đây là lần đầu tiên trải nghiệm du lịch làng nghề tại Hùng Lô, ông Khang đã được ngắm những ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi, tham gia làm mỳ gạo, làm bánh chưng và tìm hiểu về cách người dân bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Các sản phẩm tại làng nghề dù không phải mới lạ nhưng hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn, phù hợp để làm quà cho gia đình và bạn bè…

Nghề làm nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là nền tảng để làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng về du lịch. Làng nghề được gìn giữ, tiếp nối qua nhiều thế hệ như một nét đẹp văn hóa của mảnh đất này. Trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, người dân làng nghề đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hóa địa phương.

Ông Hoàng Danh Ca, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê cho biết, làng nghề nón lá Sai Nga hiện có khoảng 500 hộ làm nghề, địa phương chú trọng gìn giữ và truyền dạy để nghề phát triển. Nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, từ cách thức làm nón truyền thống, người dân đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cho sản phẩm hàng hóa và phục vụ du khách. Khi gắn kết với du lịch, nón trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách tập phương mỗi khi về tham quan, du lịch.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề với trên 20 nghìn lao động. Nhiều làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời với các sản phẩm nổi tiếng được du khách gần xa biết đến, là điều kiện thuận lợi để gắn kết, phát triển làng nghề gắn với du lịch về Đền Hùng.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, trong số 75 làng nghề của tỉnh thì có hơn 10 làng nghề được kết nối với du lịch Đền Hùng để cho khách tham quan, trải nghiệm như: Làng nghề nón lá Gia Thanh, nón lá Sai Nga, rau an toàn Tân Đức, chế biến thực phẩm Đoàn Kết, tương làng Bợ, tương Dục Mỹ...

Các làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường, sản phẩm mang đặc trưng của Phú Thọ và có thể kết nối với tour du lịch Đền Hùng được khảo sát, tiến hành xúc tiến, quảng bá giới thiệu để trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch.

Ở mỗi làng nghề gắn với du lịch về nguồn là sự kết hợp với tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của làng nghề, góp phần quảng bá về du lịch Phú Thọ và phát triển làng nghề theo hướng gắn với du lịch. Đây cũng là lợi thế để phát triển du lịch học đường, giúp các em hiểu về lịch sử dân tộc và kết hợp với trải nghiệm làng nghề.

Đánh thức tiềm năng làng nghề

Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản và cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp và sự đoàn kết, quyết tâm của người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ chia sẻ, Phú Thọ có hơn 10 làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch ở 6/13 huyện, thành, thị trong tỉnh. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là một việc làm có ý nghĩa và cần thiết. Đặc biệt với làng nghề, đó là các doanh nghiệp nhỏ, những hộ kinh doanh nhỏ nên chọn thương hiệu cá nhân và để họ tự kể câu chuyện của họ và chạm tới trái tim của khách hàng chính là hướng đi để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch ở chính các làng nghề này…

Chú thích ảnh
Dán nhãn cho món thịt chua đu đủ. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Theo bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, để phát triển du lịch, ngoài việc phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có thì cần có các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ đi kèm để thu hút du khách quay trở lại; trong đó, cần xây dựng kịch bản chương trình hấp dẫn, các tour, tuyến, lịch trình phù hợp với từng dòng du khách, tạo được các điểm nhấn đáng nhớ đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, Phú Thọ cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phát triển du lịch gắn với trải nghiệm hoạt động làng nghề kết hợp nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch từ đó tôn vinh, quảng bá sản phẩm, sản vật đặc trưng của Phú Thọ đến với du khách.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ cho hay, mục tiêu đến năm 2025, Phú Thọ sẽ chuẩn hóa các điểm du lịch và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 4 - 6 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số...

Cùng đó, để các làng nghề phát huy giá trị riêng vốn có, phù hợp với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và địa phương, các làng nghề cần chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch có chất lượng, sự khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách, đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh, bắt kịp với xu hướng, thị hiếu, tăng sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Toàn Đức (TTXVN)
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023 quảng bá du lịch làng nghề
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023 quảng bá du lịch làng nghề

Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” sẽ được tổ chức từ ngày 3 - 5/11/2023 tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN