Không chỉ phát huy được những tiềm năng, thế mạnh vốn có, sự hồi sinh của ngành công nghiệp “không khói” chính là động lực cho tỉnh xây dựng, phát triển thành trung tâm khu vực tiểu vùng Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Hồi sinh từ Nghị quyết 128/NQ-CP
Được xác định là 1 trong 3 ngành kinh tế trụ cột, ngành du lịch được tỉnh Gia Lai định hướng phát triển và đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, du lịch Gia Lai bị chững lại theo nhịp chung của cả nước.
Khi cả nước đang nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, an toàn cho ngành du lịch giữa lúc dịch diễn biến phức tạp thì Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành. Nhờ đó, không chỉ tỉnh Gia Lai tất cả các địa phương khác có cơ sở để cùng nhau phục hồi du lịch. Việc bao phủ vaccine cùng với nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, không còn cảnh “ngăn sông cách chợ” giữa các địa phương, giao thông xuyên suốt, thuận lợi đã tạo nền tảng cho du lịch một lần nữa “cất cánh”.
Tại Gia Lai, ngành du lịch thực sự “thức giấc” trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với lượng khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan tăng đột biến. Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, tính riêng 4 ngày lễ (30/4/2022-03/5/2022), tổng lượt khách du lịch, tham quan tại tỉnh ước đạt 46.600 lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 14 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2021.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng: Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn không chỉ cho ngành du lịch mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Tại Gia Lai, ngành du lịch trong thời gian gần đây đã có bước phục hồi hết sức mạnh mẽ. Người dân được cởi bỏ tâm lí, các điểm kinh doanh dịch vụ, du lịch đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư, sửa chữa, cải tạo để phục vụ tốt nhất cho khách du lịch khi đến Gia Lai.
Lý do khiến du lịch Gia Lai thu hút lượng du khách đông đảo trong kỳ nghỉ lễ này một phần nhờ công tác quảng bá, giới thiệu của ngành chức năng và cả cộng đồng mạng xã hội. “Du lịch online” là một trong những lợi thế đã được khai thác triệt để trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách. Thông qua các trang mạng, người dân địa phương đã tích cực đăng tải các hình ảnh, thông tin điểm đến hấp dẫn trong tỉnh. Các hình ảnh đẹp về hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh, núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ chè, đập Tân Sơn, suối đá cổ làng Vân (huyện Chư Păh), Khu du lịch thắng cảnh Biển Hồ, quảng trường Đại Đoàn Kết, chùa Minh Thành (thành phố Pleiku), hồ thủy lợi Ayun Pa, hồ sen Ia Yeng (huyện Phú Thiện), thác Mơ (huyện Ia Grai), thác 50 (huyện Kbang)… hiện lên trước màn hình với nhiều góc nhìn đầy hấp dẫn, thú vị. Chính vì thế, ngay sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được triển khai có hiệu quả, người dân bắt đầu trở lại với nhịp sống bình thường và nhanh chóng thực hiện các chuyến du lịch, trải nghiệm, khám phá. Gia Lai có lợi thế khi sở hữu nhiều cảnh quan hùng vỹ, thích hợp với xu hướng tìm về đắm mình với thiên nhiên của các du khách đến từ phố thị.
Chị Nguyễn Thị Tường Vy đến từ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi chọn Gia Lai làm điểm đến. Người dân Gia Lai rất thân thiện. Không khí nơi đây trong lành, mát mẻ. Các điểm du lịch hướng đến thiên nhiên nên tạo được tâm lí thoải mái, trong lành. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, nóng nực ở phố thị, khi đến Gia Lai dường như đã được trút bỏ hết.
Nỗ lực hội nhập
Xác định được thế mạnh của mình, Gia Lai đã và đang nỗ lực đưa ngành du lịch vươn mình. Nhiều chính sách, định hướng cho du lịch đã được tỉnh Gia Lai xây dựng, trong đó, tập trung khai thác các thế mạnh hiện có của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong thời gian tới, để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Gia Lai sẽ tập trung duy trì và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao bản địa; quảng bá rộng rãi các sự kiện lớn như: “Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932- 24/5/2022)” với nhiều hoạt động có ý nghĩa; Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai lần thứ 2- 2022 (dự kiến tháng 11)…
Bên cạnh đó, Gia Lai cũng đang tập trung xây dựng sản phẩm gắn với du lịch mới, hoàn thiện cơ sở vật chất hiện có, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được sự mong đợi của du khách. Trong đó, khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm như khám phá thác K50 (khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng), thác Phú Cường, thác Mơ; Du thuyền trên sông Sê San, thưởng thức đặc sản cá sông Sê San tại làng chài; Tìm hiểu văn hóa cồng chiêng tại các buôn làng; Du lịch nông thôn tại các vườn cây ăn quả, trang trại cà phê, mua sắm sản phẩm nông nghiệp OCOP; Du lịch tâm linh với chùa Minh Thành- chùa Bửu Minh; Tham quan một số thắng cảnh, công trình nổi tiếng như Biển Hồ, quảng trường Đại Đoàn kết, thủy điện Ia Ly.
Đặc biệt, để du lịch Gia Lai vươn mình, thu hút lượng khách du lịch nước ngoài, công tác thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch của Gia Lai cũng được tỉnh chú trọng. Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tập trung kết nối, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Gia Lai đến với thị trường khách quốc tế. Trong đó, địa phương chú trọng việc giới thiệu các nhà đầu tư đến Gia Lai khảo sát, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; Liên kết, tìm kiếm cơ chế đầu tư phát triển, tạo bước đột phá trong khai những công trình có tầm ảnh hưởng lớn; Liên kết, hỗ trợ để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường quốc tế; Tổ chức mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ các thị trường gửi khách quan trọng, trọng điểm đến trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm du lịch để có cơ sở đưa các điểm đến, các chương trình tour của tỉnh vào danh sách các sản phẩm bán cho du khách của doanh nghiệp và đối tác quốc tế.