Nhiều chặng "cháy vé"
Chị Nguyễn Thị Trinh, ngụ Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, do có kế hoạch đi công tác Hà Nội vào gần dịp lễ 30/4 và 1/5, nên chị đã chủ động tìm mua vé máy bay trước gần 1 tháng. Thế nhưng, chị bất ngờ bởi giá vé đã tăng 40 - 60% so với 3 tháng trước đó.
"Hồi tháng 2, tôi bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, giá vé lúc đó khoảng 700.000 đồng/vé/chuyến. Vẫn hành trình này, nhưng hiện giá vé rẻ nhất vào buổi sáng sớm đã là 1,35 triệu đồng. Giá vé này quá cao", chị Nguyễn Thị Trinh than thở.
Ghi nhận trên website của 5 hãng bay nội địa cho thấy, nếu mua vé máy bay từ cuối tháng 5, tháng 6, khởi hành bay từ TP Hồ Chí Minh/Hà Nội đến các điểm du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang và Đà Nẵng vào tháng 7, giá vé rẻ nhất cũng trên 1,35 triệu đồng/vé, tăng 20-30% so với tháng trước và tăng 50-60% so với đầu năm.
Ghi nhận trong ngày 19/4, giá vé máy bay trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4 và 1/5 tính từ ngày 28/4 đến 2/5 cũng tăng cao so với ngày thường. Đặc biệt, nhiều chuyến bay đến các điểm du lịch đã trong tình trạng “cháy vé”. Hiện tại, vé khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc có giá 3,5 - 5 triệu đồng/vé và chỉ lác đác còn vài chuyến, vé khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội đang có giá từ 1,5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/vé...
Theo đó, trong những ngày cận dịp lễ 30/4, riêng hãng hàng Vietnam Airlines có giá vé khứ hồi một số chặng bay lên đến 9 triệu đồng/vé khứ hồi. Cụ thể, chặng bay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng có giá từ 4 - 9 triệu đồng/vé khứ hồi (ngày thường giá vé khoảng 1,3 - 5 triệu đồng/vé khứ hồi); chặng bay Hà Nội - Đà Lạt có giá 4,8 - 11 triệu đồng/vé khứ hồi (ngày thường từ 3 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi)…
Theo lý giải của các hãng hàng không, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban truyền thông của Vietnam Airlines cho biết, hàng không đang bước vào thời điểm phục hồi, các dịp lễ như 30/4 và 1/5 hay cao điểm hè là điểm tựa để các hãng bật tăng trở lại mạnh mẽ sau dịch. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao khiến chi phí hoạt động của hãng tăng thêm hàng ngàn tỉ đồng. Vì vậy, giá vé máy bay buộc phải tăng theo giá nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ.
Giá nhiên liệu tăng
Theo ông Đặng Anh Tuấn, giá vé máy bay được các hãng thực hiện theo cơ chế dải linh hoạt, gồm nhiều mức từ thấp đến cao với các điều kiện khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vé giá thấp sẽ đi kèm hạn chế như không được hoàn hủy, đổi chuyến, giờ bay không đẹp. Khách mua sớm sẽ có cơ hội mua giá thấp, sát ngày phải trả giá cao hơn.
“Nhu cầu hành khách đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4, nên nhiều chuyến bay đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%, đa số là các chặng từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến những điểm du lịch "nóng" như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Huế, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang). Giá thấp đã được mua hết, chỉ còn loại giá cao, song mức giá này vẫn nằm trong khung được Bộ Giao thông Vận tải quy định. Đây là quy luật cung cầu thị trường, nếu doanh nghiệp hàng không chỉ bán vé giá thấp, khuyến mại thì không bù đắp được chi phí", ông Tuấn cho biết thêm.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không cũng cho cho biết, giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất đều đang tăng mạnh khiến chi phí của các hãng tăng, đẩy họ vào khó khăn. Đây cũng là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp hàng không. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD/thùng. Đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD/thùng. Bình quân trong năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD/thùng. Ngoài ra, tại hai hãng máy bay ra đời sau như Bamboo Airways và Vietravel Airlines, trong năm qua việc kinh doanh cũng không có lãi nên một số đơn vị phải tăng giá bán để khôi phục lại kinh doanh.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Vietravel Airlines cho biết, trong giai đoạn cao điểm hè 2022, dù tăng giá vé, hãng vẫn chưa thể bù đắp được chi phí hoạt động. Liên quan đến việc các chi phí xăng dầu tăng, các hãng hàng không cũng không còn nhận được hỗ trợ như thời COVID-19. Lãi suất tăng, USD tăng càng đè nặng lên chi phí vận hàng, làm hoạt động của các hãng bay thêm khó khăn. "Hiện nay, phần lớn hợp đồng thuê bay đều được trả bằng USD, trong khi các đồng tiền bản địa ở các nước đang có đường bay đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu bị mất giá mạnh. Điều này khiến các hãng bay đang rơi vào cảnh khó khăn", ông Nguyễn Vũ Hoàng chia sẻ thêm.
Theo các hãng hàng không, giá vé máy bay tăng cao là do việc vận hành, cụ thể Việt Nam mở cửa du lịch ngày 15/3/2022. Giai đoạn 30/4/2022, ngành du lịch vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, lượng khách quốc tế ít nên các hãng hàng không tập trung khai thác thị trường nội địa với chính sách giá vé tốt. Tuy nhiên, sang năm 2023, thị trường hàng không và du lịch khôi phục hoàn toàn, lượt khách trong và ngoài nước có thời điểm vượt năm 2019 (trước dịch). Sự biến động của thị trường đã đẩy chi phí vận hành tăng, dẫn đến giá vé cao hơn so với năm trước để đảm bảo hiệu quả khai thác.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết: "Tốc độ phục hồi hàng không tăng rất nhanh, vì thế hãng đã lên kế hoạch trong mùa hè này và dự kiến sẽ tăng thêm máy bay phục vụ mùa du lịch cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, giá nhiên liệu biến động mạnh vẫn là thách thức lớn đối với hàng không, đặc biệt là "tân binh" Vietravel Airlines. Vì vậy, nếu giá nhiên liệu hạ nhiệt về mốc 80 - 100 USD/thùng, giá vé máy bay sẽ được điều chỉnh xu hướng giảm".
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, lượng khách đặt chỗ đạt trung bình trên 80% tổng số chuyến bay dịp 30/4, một số chuyến đã hết chỗ. Để đáp ứng nhu cầu hành khách, các hãng bay sẽ phải xin tăng chuyến. Tuy nhiên, các hãng đều đã khai thác chặng quốc tế nên phải cân đối nhân lực, máy bay, không thể ồ ạt tăng chuyến phục vụ vận tải nội địa như năm 2022 khiến các chuyến bay trong nước hạn chế hơn.
Bài cuối: Cảnh giác tour giá rẻ, đặt phòng qua mạng