Nếu như trước đây, khách du lịch tới Nghệ An chỉ biết đến bãi biển Cửa Lò và Khu di tích Kim Liên, những năm gần đây, không gian và điểm đến đã được mở rộng. Đảo chè Thanh Chương, thung lũng hoa tam giác mạch, cánh đồng hoa hướng dương Nghĩa Đàn hay du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ... là những địa điểm đang thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế về với Nghệ An.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành quốc tế và thương mại NetViet cho biết, công ty đang tập trung quảng bá, xúc tiến những điểm đến mới, đặc biệt hướng tới các điểm du lịch xanh.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được xem là mấu chốt làm thay đổi kinh tế du lịch Nghệ An. Nhiều thị trường tiềm năng như Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan lần lượt được ngành du lịch Nghệ An hướng đến. Đây cũng là lý do để nhiều công ty lữ hành các tỉnh Đông Bắc Thái Lan tổ chức khảo sát, kết nối các tour, tuyến du lịch, khu lưu trú, nghỉ dưỡng với các doanh nghiệp Nghệ An.
Ông Tanavit Kongsuriya, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành du lịch tỉnh Nongbua Lamphu (Thái Lan) cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến Nghệ An, đến quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần đi như thế này, chúng tôi có thêm nhiều cơ hội khám phá các điểm du lịch mới ở Nghệ An, được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với những người làm quản lý du lịch, công ty lữ hành ở Nghệ An. Người dân tỉnh Nongbua Lamphu (Thái Lan) sẽ biết đến nghệ An nhiều hơn từ những chuyến đi khảo sát của chúng tôi như thế này”.
Lượng khách du lịch quốc tế đến với Nghệ An năm 2018 là 123 nghìn lượt, tăng 11% so với năm 2017, chủ yếu là khách đến từ Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ các chuyên gia làm du lịch Thái Lan, những tiềm năng, lợi thế của Nghệ An vẫn chưa được khai thác, phát huy một cách tối đa. Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế du lịch đang được đặt ra đối với tỉnh.
Ông Thinakorn Thongphao, Đại diện Cơ quản quản lý du lịch vùng Đông Bắc-Thái Lan đề xuất: Du lịch Nghệ An trong những năm qua đã có nhiều thay đổi. Hệ thống giao thông, các khu lưu trú, nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để du lịch Nghệ An ngày càng phát triển cần tiếp tục quan tâm đến xây dựng đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch.
Đối với đất nước Thái Lan, nơi có rất đông kiều bào Việt Nam đang sinh sống ngoài công tác quảng bá, cần duy trì chuyến bay giữa Nghệ An và Thái Lan để rút ngắn khoảng cách đi lại.
Tương tự, du khách David đến từ nước Anh cũng cho rằng, để thu hút du khách, Nghệ An cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các điểm đến, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ đi kèm; đồng thời nên có nhiều chương trình kích cầu, giảm giá tour để các doanh nghiệp lữ hành tham gia xúc tiến, quảng bá điểm đến Nghệ An rộng rãi hơn.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Nghệ An. Với các sản phẩm du lịch mới được hình thành, thương hiệu du lịch Nghệ An dần được khẳng định trên bản đồ du lịch trong nước; định vị được thị trường khách trọng điểm.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được chú trọng triển khai và có hiệu quả nhất định. Mới đây, tỉnh Nghệ An đã tổ chức một chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở thị trường châu Âu.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường, tỉnh đang đặt mục tiêu phát triển khách du lịch quốc tế nên việc xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài hết sức quan trọng và cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, qua chuyến quảng bá này, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh nhận định, việc quảng bá du lịch của Nghệ An hiện nay chỉ mới là những bước đi đầu tiên. Để hấp dẫn, thu hút du lịch thực sự cần rất nhiều sự đầu tư. "Chúng tôi đã đem 70 kg tờ rơi, áp phích để giới thiệu về du lịch Nghệ An nhưng hoạt động của đoàn vẫn đang còn phải phụ thuộc nhiều vào Tổng cục Du lịch. Nếu hiệu quả, chúng ta phải có những chương trình riêng, thậm chí phải xây dựng được một chương trình, kịch bản hấp dẫn nhằm giới thiệu được trọn vẹn bản sắc văn hóa dân tộc của xứ Nghệ", ông Cường nhấn mạnh.
Để công tác quảng bá, xúc tiến đạt hiệu quả trong thời gian tới, ngành du lịch Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Thay đổi hình thức nhằm nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cụ thể là trong xu thế các trang mạng xã hội phát triển mạnh, ngành tập trung phát triển trang facebook du lịch Nghệ An, xây dựng thêm các trang Twitter, Youtube, Instagram... để nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch.
Ngoài ra, Nghệ An cũng nghiên cứu và đưa vào ứng dụng có hiệu quả công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch. Việc sử dụng hình ảnh, các thước phim 3D, 4D tái dựng lại các sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, các di sản thiên nhiên và đưa lên mạng internet hoặc trình chiếu tại các điểm du lịch sẽ giúp cho tất cả mọi người trên khắp thế giới dễ dàng khám phá, hiểu hơn, yêu hơn và thích thú tìm hiểu tài nguyên du lịch của địa phương.
Đây cũng là một trong những phương pháp kích cầu du lịch hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Nghệ An cũng gắn các điểm đến của Nghệ An vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng, nhằm nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Nghệ An với các tỉnh trong vùng.
Ngành du lịch xác định rõ thị trường du lịch trọng điểm, truyền thống để tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch và nghiên cứu xúc tiến tại các thị trường du lịch tiềm năng như: Các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Séc…
Đối với thị trường nội địa, mục tiêu của Nghệ An là tiếp tục xúc tiến tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên…
Việc nghiên cứu và xác định đúng thị trường du lịch, tổ chức các hoạt động mang tính chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được mục tiêu tổ chức xúc tiến du lịch; nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ ngoại ngữ để thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là những ưu tiên thời gian tới của Nghệ An.