Biểu diễn chầu văn tại khu vực đền Bạch Mã. Ảnh: Lê Phú |
Họ cùng nhau tới đây thưởng thức ly cà phê, tận hưởng không gian đặc trưng của đêm phố cổ, nghe âm nhạc truyền thống của các nghệ sĩ đường phố. Có lẽ, rất ít nơi, trình diễn âm nhạc truyền thống đường phố lại có sức hấp dẫn như ở phố cổ Hà Nội. Những giai điệu đậm chất hoài cổ, lắng đọng, hòa quyện ngọt ngào trong không gian cổ kính làm đắm say lòng người.
Con phố Mã Mây vốn dĩ đã khá đẹp vào ban ngày bởi con phố này vẫn còn lưu giữ được không gian, kiến trúc cổ kính, đêm xuống phố cổ Mã Mây lại càng lung linh, huyền ảo. Khu vực này trở thành phố đi bộ phục vụ khách tham quan vui chơi, mua sắm vào 3 buổi tối cuối tuần. Dù đông người qua lại nhưng con phố cũng không quá ồn ào. Bước đi trên phố, người ta vẫn cảm nhận được sự tĩnh tại, thư thái. Trước cửa ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, một nhóm nhạc đang say sưa biểu diễn những giai điệu trữ tình. Tại Đền Hương Tượng, các nghệ sĩ biểu diễn chầu văn như níu bước chân du khách. Những không gian văn hóa như thế này đã trở thành điểm hẹn của những người yêu âm nhạc truyền thống khi đến Thủ đô.
Mỗi tối thứ 7, nhóm chầu văn phố cổ gồm 10 thành viên lại cùng biểu diễn phục vụ người dân phố cổ và du khách tại Đền Hương Tượng. Vào tối thứ Sáu và tối Chủ nhật, điểm diễn của nhóm là trước cửa Đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm. Khách đến xem tương đối đông, người yêu thích nghệ thuật chầu văn thì ngồi xem cả buổi, người không có nhiều thời gian chỉ dừng chân nghe một vài giá chầu. Giá văn “Chúa Thác Bờ” do nghệ sĩ Quang Vũ, Thế Mẫn và tay trống Quang Huy biểu diễn đã nhận được sự cổ vũ của nhiều người dân và du khách. Chầu văn trước kia chỉ trình diễn ở đình, đền, phủ nhưng nay đã được đưa ra các điểm công cộng để trình diễn cho người xem. Tuy trình diễn giống như các buổi hầu đồng nhưng khi thể hiện tại nơi công cộng, tiết tấu phải nhanh hơn và phải lựa chọn các tiết mục vui nhộn.
Nghệ sĩ Diệu Hồng cho biết, một trong những mục đích biểu diễn của nhóm là mong muốn giới thiệu văn hóa truyền thống, loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam đến người dân và du khách. Từ năm 2014 đến nay, khi được biểu diễn tại phố cổ Hà Nội, chị nhận thấy rằng có rất nhiều người thích nghe chầu văn, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.
Cách đó không xa là điểm trình diễn của Câu lạc bộ Moon Min tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ. Sự hồn nhiên, tươi vui của các nghệ sĩ nhí cùng tinh thần biểu diễn hết sức nhiệt tình trong từng lời ca, điệu múa đã thuyết phục hầu hết người xem. Trong bộ áo dài truyền thống, các bé duyên dáng biểu diễn điệu múa chén qua tiết mục “Cung đình Huế”. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Moon Min Phạm Văn Đức chia sẻ: Khi trình diễn ở phố cổ, mục đích duy nhất của câu lạc bộ là duy trì nét văn hóa dân gian các vùng miền, đồng thời giúp các em nhỏ có thêm cơ hội thể hiện tài năng của mình. Một thuận lợi cơ bản là gia đình các em đều ủng hộ để còn em mình tham gia. Khi trình diễn ở đây, các nghệ sĩ nhí được tiếp xúc, tương tác với khán giả, nghệ sĩ và khán giả gần nhau hơn, đúng nghĩa là âm nhạc đường phố. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi không gian biểu diễn lại là nơi giàu tính văn hóa như phố cổ Hà Nội.
Sân khấu của chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc trên phố Hàng Mã. Ảnh: Lê Phú |
Yêu thích các tiết mục trình diễn của các cháu nhỏ, bác Nguyễn Thị Ngọc Thanh (trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, không gian đi bộ phố cổ Hà Nội rất cần có những hoạt động văn hóa để thêm phần hấp dẫn. Xem các cháu nhỏ biểu diễn, nhất là biểu diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống, bác như được trở về với tuổi thơ của mình. Vì vậy, mỗi khi rảnh rỗi, bác lại cùng con cháu trong gia đình lên phố cổ để tận hưởng không gian giàu chất văn hóa này.
Có dịp cuối tuần, trước cửa chợ Đồng Xuân thuộc tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân cũng là thời điểm diễn ra liên hoan âm nhạc dân gian “Hà Thành 36 phố phường” dành cho các nghệ sĩ không chuyên trên địa bàn Hà Nội. Vừa hoàn thành tiết mục chèo “Hương sen dâng Bác” trên sân khấu, bác Nguyễn Thị Minh Quý (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Trình diễn ở không gian mở nên các bài hát có sự vang xa, hơi đẩy ra tốt hơn, không bị tích tụ như các sân khấu trong nhà. Mặc dù đã có hơn 20 năm gắn bó với ca hát theo hình thức không chuyên nhưng đây là lần đầu tiên bác Minh Quý được trình diễn tại phố cổ Hà Nội. Biểu diễn trong không gian này bác thấy gần gũi, thân quen và ngập tràn cảm xúc.
Hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ ở phố cổ Hà Nội bắt đầu được triển khai từ năm 2014 với sự tham gia của nhiều câu lạc bộ, nhóm nhạc truyền thống lẫn hiện đại. Bà Trần Thúy Lan, Phó Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Vào mỗi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, tại khu vực phố cổ Hà Nội có 8 điểm biểu diễn âm nhạc, tập trung tại khu bảo tồn cấp 1, gồm: Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đền Hương Tượng phố Mã Mây, ngã tư Đào Duy Từ - Mã Mây – Hàng Buồm, Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, đền Bạch Mã 76 Hàng Buồm, 61 Lương Ngọc Quyến, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, đền Kim Ngân 42 Hàng Bạc. Toàn bộ điểm biểu diễn đều phục vụ miễn phí người dân và du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Hoạt động của các nhóm nhạc, câu lạc bộ đa phần đều theo hình thức tự nguyện, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội không phải cấp kinh phí cho các câu lạc bộ. Từ khi triển khai hoạt động này, các điểm biểu diễn trong khu phố cổ Hà Nội đều kín lịch diễn, thu hút đông đảo người dân và du khách tới xem.
Nhiều người dân và du khách cho rằng, mỗi dịp cuối tuần, phố cổ Hà Nội không thể thiếu các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; chính hoạt động văn hóa hấp dẫn này đã góp phần tạo nên hồn cốt của phố cổ Hà Nội.