Để ẩm thực thành sản phẩm du lịch

Khi đặt chân đến một điểm du lịch, du khách nào cũng muốn khám phá những món ăn đặc sản của địa phương. Lợi thế của các món ăn truyền thống Việt Nam là có hương vị rất đặc biệt. Tuy nhiên, để trở thành một trong những yếu tố hấp dẫn du khách, thậm chí thành những sản phẩm du lịch độc đáo, ẩm thực Việt Nam vẫn cần sự quan tâm thích đáng hơn.

Đông đảo du khách tới tham quan và thưởng thức các món ăn đặc sản của ba miền Bắc-Trung-Nam tại Lễ hội ẩm thực ba miền Bắc-Trung-Nam được tổ chức tại tỉnh Phú Yên ngày 6/7/2011. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Lễ hội ẩm thực: Quảng bá còn lẻ tẻ

Để hút khách, từ đầu năm đến nay, các tỉnh, thành có thế mạnh du lịch đã tổ chức một loạt lễ hội, Festival…, trong đó, phần không thể thiếu là giới thiệu về ẩm thực. Festival Huế 2011 có chương trình Bếp Việt trong Vườn Huế; Festival Biển Nha Trang 2011 có chương trình Nhà cổ và ẩm thực dân gian Nha Trang xưa và Lễ hội Buffet – Hương vị Việt… Gần đây là Lễ hội ẩm thực ba miền Bắc- Trung- Nam diễn ra từ 6-9/7 tại Phú Yên. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp lữ hành không mặn mà lắm với việc đưa khách đến các lễ hội ẩm thực, do thông tin chưa được cập nhật kịp thời, đó là chưa kể vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Phần lớn các chương trình lễ hội ẩm thực này mới chỉ nhắm đến du khách nội địa chứ chưa nhắm tới khách quốc tế nên công tác tổ chức còn nhiều vấn đề chưa hợp lý.

Ẩm thực hiện là một phần không thể thiếu trong tổng thể sản phẩm du lịch. Nhất là khi ẩm thực được coi là một nét văn hóa. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có văn hóa và nghệ thuật ẩm thực khác nhau. Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đánh giá: Hiện nay, ẩm thực nước ta được nhiều du khách quốc tế ưa thích bởi món ăn ít béo, nhiều rau, gia vị và được xếp vào loại “Ẩm thực vì sức khỏe”. Ẩm thực Việt Nam còn được ưa thích bởi cách ăn, món nào ăn với rau nào, nước chấm gì, mấy chục loại rau, củ đều có thể làm gỏi, cách trình bày món ăn... Với du khách quốc tế, thưởng thức món ăn Việt Nam là cả một sự khám phá. Do đó, khi đến Hà Nội, ai cũng muốn thưởng thức chả cá Lã Vọng, phở, nem, bánh cuốn, bánh tôm Hồ Tây...

Sống ở Việt Nam vài năm nên bà Amy Wee, chuyên gia về marketing, rất mê ẩm thực Việt Nam và nhờ bạn bè dạy làm một số món. “Nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam ngày càng được nhiều du khách nước ngoài quan tâm. Tôi chỉ biết đến món ăn Việt Nam khi đến Việt Nam, chứ thông tin về món ăn Việt Nam hồi ở Xinhgapo tôi gần như không biết. Nếu biết tận dụng tiềm năng quý giá này, đây thực sự là cầu nối quan trọng để đưa du khách đến và quay trở lại Việt Nam”, bà Amy Wee cho biết.

Tạo thương hiệu bằng cách nào?

Mỗi năm, Việt Nam tổ chức không ít lễ hội ẩm thực trải dài khắp ba miền. Tuy nhiên, để tổ chức được sự kiện ẩm thực xứng tầm khu vực và thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thì đến nay vẫn chưa làm được. Chính vì vậy, du khách biết đến các món ăn chủ yếu qua lời kể của bạn bè, qua sự giới thiệu trực tiếp của hướng dẫn viên. Theo đánh giá của nhiều công ty lữ hành, tiềm năng lớn nhưng hiện văn hóa ẩm thực nước ta vẫn dừng ở mức “hữu xạ tự nhiên hương”.

“Thực tế việc quảng bá ẩm thực Việt Nam mới chỉ được lồng ghép vào các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ra nước ngoài nên ẩm thực dân tộc chưa gây sự chú ý cũng như chưa tạo “dấu ấn” đối với bạn bè quốc tế. Trong khi đó, các nước có ngành du lịch phát triển đều tập trung cho việc tạo hình ảnh của đất nước mình thông qua thương hiệu của doanh nghiệp và của các món ăn và đồ uống”, bà Xoan nhận xét. Không phải ngẫu nhiên ở các nước châu Âu, châu Mỹ, Úc... có rất nhiều nhà hàng của Trung Quốc (Chinese Foods), nhà hàng Thái Lan (Thai Foods), nhà hàng Nhật Bản (Japanese Foods)... Ngay tại nước ta, từ khi mở cửa và hội nhập nhiều nhà hàng của các nước từ châu Âu (nhà hàng Italia, nhà hàng Pháp), châu Á (nhà hàng Trung Quốc, nhà hàng Hàn Quốc, nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng Thái Lan...) đã mở tại các thành phố lớn (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,...) hay ở các khu du lịch. Do vậy, các nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài có vai trò và vị trí rất quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch cho đất nước. Mỗi một nhà hàng ở nước ngoài là một hình ảnh thu nhỏ của đất nước, thực khách đến đây không chỉ được thưởng thức các món ăn, đồ uống dân tộc mà còn được ngắm nhìn khung cảnh của nhà hàng với sự bài trí theo phong cách dân tộc, truyền thống. Đây là một hình thức tuyên truyền, quảng cáo mang lại hiệu quả rất cao.

Những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài đã mở nhiều nhà hàng Việt Nam tại các nước sở tại, nhất là tại Hoa Kỳ, Tây Âu. Quy mô của phần lớn các nhà hàng thường là nhỏ mang tính gia đình, do đó có nhiều hạn chế về mặt không gian, trang trí nội thất, chế biến các món ăn Việt Nam cũng như tay nghề chế biến của nhân viên. Nhiều nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài cần đến sự trợ giúp ở trong nước từ khâu nguyên liệu, thực phẩm, gia vị, các dụng cụ thiết bị nấu ăn, phục vụ ăn, uống, các vật trang trí và cả người phục vụ với tay nghề cao, nhưng chưa có một tổ chức nào ở trong nước quan tâm đến vấn đề này.

Có lẽ, ngành du lịch nên sớm có những cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là khâu đào tạo, bồi dưỡng nhân viên, bếp trưởng chế biến các món ăn Việt Nam để cung cấp cho các nhà hàng không chỉ ở nước ngoài mà ở trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN