Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022, có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Những con số này khẳng định, sức hút cũng như tiềm năng phát triển của thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, sau thời gian hậu COVID-19, tâm lý xã hội có nhiều biến đổi, con người cũng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và đời sống tinh thần nhiều hơn nên hình thái du lịch trị liệu đang càng phát triển mạnh trên thế giới.
Trong khi đó, theo báo cáo của Grand View Research, du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Các quốc gia đi đầu về mô hình này là Nhật Bản với hình thức tắm onsen, tạo nên thương hiệu; hay tắm đá muối tại Hàn Quốc; các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ.
Tại Việt Nam, ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Panhou Resort và Whale Island Resort cho biết, các sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam hiện nay nghèo nàn và chưa hấp dẫn, thu hút khách trở lại. Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm nay để nắm bắt xu hướng phát triển du lịch trị liệu trên thế giới.
Khi xây dựng sản phẩm du lịch trị liệu, các đơn vị cần cần đề cao tính “ngắt kết nối” với công nghệ, quan tâm đến mật độ xây dựng thưa và sử dụng vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường như gỗ, đá, tre từ địa phương để con người có thể trở về với thiên nhiên và cân bằng được cảm xúc, từng bước chữa lành được các tổn thương, áp lực từ cuộc sống hiện đại xung quanh.
“Sắp tới, chúng ta cần tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ra quốc tế thông qua đẩy mạnh quảng cáo và truyền thông cũng như qua nhiều hình thức ngoại giao - văn hóa - thể thao - kinh tế. Các đơn vị, doanh nghiêp lữ hành cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch trị liệu đặc trưng riêng dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có và văn hóa địa phương giàu có của Việt Nam hiện nay để có thể bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển ngành du lịch bền vững”, ông Kiên Lê cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thệ, Hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Vạn Hạnh cho biết, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc hữu và nền y học cổ truyền có hàng ngàn năm tuổi, với những giá trị ưu việt để phát triển du lịch trị liệu. Tuy nhiên, các khu du lịch trị liệu chưa phát huy được hết các yếu tố trị liệu và chưa được nhiều du khách biết đến. Tại đây, các hoạt động chăm sóc trị liệu như: xoa bóp, bấm huyệt được ứng dụng đơn thuần là thư giãn nên yếu tố trị liệu còn thấp. Chưa kể, nhân lực cho ngành du lịch trị liệu cũng chưa được đào tạo bài bản về y học cổ truyền, các dược liệu chưa được quan tâm đầu tư phát triển...
Vì vậy, để giải quyết các khó khăn trên, theo ông Nguyễn Quốc Thệ, các khu du lịch trị liệu cần sự phối hợp từ ngành du lịch, trường đại học đào tạo về y học cổ truyền để có nguồn nhân lực ổn định, chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, người học về du lịch cần học thêm y học cổ truyền và ngược lại để có nguồn nhân lực khi mở rộng phát triển du lịch trị liệu tại Việt Nam; các đơn vị đào tạo về du lịch trị liệu cũng cần mở thêm các khoá đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn từ 1 tháng đến 18 tháng để những người làm du lịch có thể theo học...