Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Hội nghị đã thảo luận, đánh giá thực trạng du lịch Hưng Yên có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Hưng Yên có số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ 3 cả nước, với hơn 1.800 di tích; trong đó có 165 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích Quốc gia đặc biệt, gồm: khu di tích Phố Hiến và chùa Thái Lạc.
Hưng Yên hiện cũng lưu giữ hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, lễ hội đền Phù Ủng, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Mặt khác, còn có các di sản văn hóa phi vật thể như hát Ca trù, Trống quân, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; các sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch (tương Bần, Hương xạ thôn Cao, đúc đồng Lộng Thượng, trồng hoa cây cảnh Văn Giang). Ngoài ra, Hưng Yên còn có nhiều đặc sản nổi tiếng như nhãn lồng, gà Đông Tảo, mật ong hoa nhãn, hạt sen...
Qua khảo sát thực tế cho thấy Hưng Yên có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào nhưng chưa được khai thác. Số lượng khách du lịch tăng hàng năm tại Khu di tích Quốc gia Phố Hiến, Điểm du lịch Ecopark, cụm di tích lịch sử Đa Hòa - Dạ Trạch, Chùa Nôm, Đền Phù Ủng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Các chỉ tiêu phát triển du lịch vẫn ở mức thấp so với khu vực Đồng bằng Bắc bộ và cả nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu, quy mô nhỏ lẻ thiếu đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên những tài nguyên sẵn có, ít được đầu tư…
Hoạt động du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch sinh thái còn rời rạc, chưa có sự liên kết, phối hợp để tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn và tăng thời gian lưu lại của du khách. Tại thành phố Hưng Yên, khách tham quan chủ yếu tại đền Trần, đền Mẫu, đền Bà Chúa Kho, chùa Chuông.
Các điểm di tích còn lại thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến hầu như ít khách thập phương đến chiêm bái. Tại huyện Văn Giang, du khách chủ yếu sử dụng dịch vụ du lịch tại Khu Đô thị Ecopark.
Tại huyện Khoái Châu, khách chủ yếu tham quan chiêm bái tại điểm di tích Đa Hòa, điểm di tích Dạ Trạch chưa thu hút được khách du lịch. Việc khai thác các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh tuy có định hướng, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa được chú trọng khai thác phát huy.
Tạo điểm đến hấp dẫn du khách
Để du lịch Hưng Yên có điểm nhấn trên bản đồ của cả nước và của đồng bằng sông Hồng, nhiều ý kiến đề xuất tỉnh cần vận dụng cơ chế chính sách, triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển du lịch.
Trong đó, cần quy hoạch các khu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng tại các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Văn Lâm, Phù Cừ...; bảo tồn hát ca trù, trống quân, vật lầu và phục dựng các lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực đặc trưng riêng có của từng vùng.
Các địa phương cũng kiến nghị tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào các dự án xây dựng dịch vụ phục vụ du lịch như: khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi, giải trí, du lịch cộng đồng. Trong đó ưu tiên đầu tư một số khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh như: khu du lịch Phố Hiến, khu du lịch đền Đa Hòa - Dạ Trạch...
Đồng thời, xây dựng mô hình sinh thái, du lịch làng nghề tại các địa phương như: làng hoa cây cảnh Văn Giang, vùng trồng nhãn lồng tại Khoái Châu và thành phố Hưng Yên; các làng nghề đan đó Thủ sỹ, chạm bạc Phù Ủng, hương trầm Bảo Khê... nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Kết luận hội nghị, ông Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu các địa phương phối hợp với các ngành chức năng mở rộng liên kết, nâng cao chất lượng tour, tuyến du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, các sản phẩm du lịch mới để kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến với Hưng Yên; đưa loại hình nghệ thuật truyền thống Hát chèo, Ca trù, Trống quân vào khai thác phục vụ khách du lịch nhằm bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh; hình thành đa dạng và phát huy tối đa tour du lịch gắn với các lễ hội truyền thống, các di tích trọng điểm trên địa bàn; chú trọng sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; chú trọng quy hoạch sử dụng đất liên quan đến kết cấu hạ tầng, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư nguồn vốn xây dựng, nâng cấp hạ tầng du lịch các địa điểm như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến; Khu di tích làng Nôm; đầu tư nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phục dựng lại Phố Hiến cổ.