Được thành lập năm 2004, Đam Rông là một trong những huyện khó khăn nhất cả nước và của tỉnh Lâm Đồng. Nhắc đến nơi đây, mọi người chỉ biết đến một vùng đất hoang vu, hiểm trở, nghèo khó với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư tới. Đam Rông hôm nay đã bắt đầu trở mình thức dậy khi biết tận dụng các thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, huyện nằm ở phía Tây - Bắc của tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Tây giáp tỉnh Đắk Nông. Địa hình dốc và có nhiều vùng bị chia cắt mạnh đã tạo cho vùng đất này nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ cùng những cảnh quan du lịch rất hấp dẫn như: Thác Nếp ở xã Đạ K’Nàng, thác Bảy Tầng ở xã Phi Liêng, thác Tình Tang ở xã Đạ Tông, sông Krông Nô và suối nước mát ở xã Rô Men, suối nước nóng ở xã Đạ Long...
Đam Rông là địa phương phong phú về nền văn hóa đa sắc tộc với 20 dân tộc thiểu số, chiếm trên 65% dân cư toàn huyện sống đan xen tại 8 xã. Mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc có truyền thống, phong tục, tập quán khác nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa. Tiêu biểu như: Lễ hội mừng Lúa mới, mang lúa về kho của đồng bào K’Ho, M’Nông; Lễ hội cầu Trăng; Lễ hội Lồng tồng (hội xuống đồng) được tổ chức vào đầu Xuân của dân tộc Tày…
Địa bàn huyện còn có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo lớn, thu hút du khách đến tham quan như: Nhà thờ Đạ Tông, Nhà thờ Phi Liêng, Chùa Quang Đức (xã Đạ Rsal), Chùa Quang Minh (xã Phi Liêng), Chùa Liên Trì (xã Đạ K’Nàng)… Trong thời gian dài, công tác đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức nên lĩnh vực này hầu như bị bỏ ngỏ, chưa theo kịp với sự phát triển chung của các địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt nên khó hình thành tuyến du lịch kết nối. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu; chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ khác như: các khu vui chơi giải trí, dịch vụ; chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn...
Suối khoáng nóng Daana - sản phẩm du lịch mới
Huyện có nhiều điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên mới chỉ có điểm “Suối khoáng nóng Daana” tại xã Đạ Tông đã cơ bản được đầu tư hoàn thiện các hạng mục, dự kiến mở cửa đón du khách vào dịp 30/4 - 1/5/2023. Các điểm còn lại vẫn đang để ngỏ, chờ các tổ chức, doanh nghiệp tới đầu tư để đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất này.
Suối khoáng nóng Daana nằm cách trung tâm huyện Đam Rông hơn 30 km, trên con đường nhựa khá êm ái và một đoạn đường bê tông. Để tới địa điểm du lịch mới mẻ này, trên đường đi, du khách sẽ được trải nghiệm cánh đồng bậc thang duy nhất của tỉnh Lâm Đồng hay chiêm ngưỡng Nhà thờ Giáo xứ Đạ Tông cổ kính, có kiến trúc rất khác lạ với Giáo đường, tháp chuông cao vút đều được xây dựng từ những viên đá cuội lớn lấy từ dưới lòng sông lên.
Suối khoáng nóng Daana nằm trong khuôn viên khoảng 100 ha như một kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho miền đất khó này. Từ hơn 3 năm nay, khu vực này đã được chăm sóc, đầu tư thành một quần thể du lịch với phương châm đề cao sự gần gũi của con người với thiên nhiên là “tắm rừng”. Trên con suối khoáng nhỏ nằm giữa khe núi hoang sơ, nhà đầu tư đã xây dựng những bể tắm bằng những tảng đá suối lớn nhỏ uốn lượn theo thế đất như những đám ruộng bậc thang từ cao xuống thấp. Nước dưới suối hơi đục trắng do chứa nhiều khoáng chất, độ nóng vừa đủ để du khách bước xuống hơi giật mình, rồi đắm chìm xuống làn nước nóng bốc hơi của đất.
Nhà đầu tư dù xây dựng một quần thể rộng như vậy nhưng không tác động đến thiên nhiên của khu vực. Nhờ đó, con đường gỗ xuyên rừng để du khách đi bộ trải nghiệm dài 3 km uốn lượn lên xuống, băng qua những triền đá, khe suối; lách qua những thân cây cổ thụ, vượt trên ngọn những bụi cây rừng đủ loại, muôn hoa. Theo truyền thuyết, khu vực này là nơi gặp gỡ của suối mẹ và suối cha. Ngày ấy, một cặp vợ chồng dân tộc gốc Tây Nguyên đưa nhau tới đây khai khẩn. Người vợ trở dạ sinh con nhưng trời mưa lớn, đá đánh lửa và củi đều ướt sũng. Người chồng không làm sao nhóm lửa nấu nước để tắm cho hai mẹ con được. Anh đành quỳ xuống cầu khấn Yàng phù hộ. Bỗng từ khe núi, một cột nước nóng từ lòng đất trào lên và chảy suốt cho đến bây giờ…
Ông Đoàn Trương Duy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn City House Advisory (đơn vị vận hành suối khoáng nóng Daana) cho biết, các hoạt động được khuyến khích tại khu du lịch này gồm: Thiền, yoga, đi bộ trong rừng; đạp xe ven hồ, quanh ruộng bậc thang... Trong “Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023”, địa điểm này sẽ miễn phí vé vào cổng cho tất cả khách tới tham quan từ ngày 1 - 3/5 nếu đặt hẹn trước thông qua kênh vận hành của Công ty.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, “Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023” diễn ra từ 26/4 đến 3/5, sẽ có một số điểm mới. Đó là, một số tour, tuyến du lịch lần đầu đưa vào khai thác để đón du khách tới tham quan, thưởng lãm như: du lịch leo núi lên Cổng trời trong Vườn Quốc gia Lang Biang để thưởng lãm cây thông 2 lá trên 1.000 năm tuổi; trải nghiệm chương trình du lịch “Suối khoáng nóng Daana” ở huyện Đam Rông…
Đánh thức tiềm năng du lịch nơi miền đất khó
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết, để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng nhằm phát triển du lịch, ngày 28/3/2023, UBND huyện đã ban hành “Đề án phát triển du lịch huyện Đam Rông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đặt mục tiêu phát triển du lịch phải dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành và người dân; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thiết kế, xây dựng, xúc tiến và kinh doanh các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Hiện, huyện Đam Rông đang định hướng phát triển du lịch dựa trên 4 trụ cột. Đó là: du lịch tham quan nghỉ dưỡng tại khu du lịch Suối khoáng nóng Daana Đạ Tông; phát triển các điểm du lịch canh nông, tham quan mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chuối laba ở xã Đạ K’Nàng, mắc ca ở xã Phi Liêng, trầm hương ở xã Liêng Srônh, cá tầm ở xã Rô Men và xã Liêng Srônh; tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc cà phê, cây ăn trái ở xã Đạ Rsal…; phát triển du lịch văn hóa bản địa như: xem diễn tấu cồng chiêng, thưởng thức rượu cần và các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa bàn 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long; du lịch thể thao mạo hiểm chèo thuyền trên sông Krông Nô ở xã Đạ M’rông.
Lãnh đạo huyện xác định, "Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023" là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, danh lam thắng cảnh có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn nhằm thu hút đầu tư phát triển. Hiện, huyện đã giao các phòng, ban liên quan chuẩn bị đoàn để tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương; biểu diễn nghệ thuật dân gian và trình diễn trang phục truyền thống “Nét đẹp Di sản Văn hóa Nam Tây Nguyên” tại thành phố Đà Lạt.
Từ ngày 27/4 đến ngày 3/5, ngành chức năng của huyện sẽ phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn City House Advisory tổ chức Chương trình du lịch “Suối khoáng nóng Daana” với các dịch vụ trải nghiệm tắm suối khoáng nóng, du lịch khám phá văn hóa địa phương, các hoạt động vui chơi trên mặt nước và các khóa học về sinh thực vật của núi rừng Đam Rông…