Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt

Ngày 2/4, tại thành phố Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị chuyển đổi số du lịch.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. 

Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành Du lịch, góp phần chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động, thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình chuyển đổi số toàn diện của quốc gia và của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó du lịch là ngành ảnh hưởng nặng nề nhất. Để phục hồi và phát triển sau tác động mạnh mẽ của đại dịch, đòi hỏi du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng cần có sự thay đổi căn bản, toàn diện để thực sự phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong ngành du lịch. 

Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua mã QR code, app du lịch… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu, qua đó giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp.

Tại hội nghị, các đại biểu, đại diện các công ty du lịch, hãng lữ hành, khách sạn đã có nhiều ý kiến tham luận, góp ý về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch nhằm giảm thiểu thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ông Nguyễn Bá Thiết, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ VNlink cho rằng, ngành Du lịch cần có giải pháp xây dựng hệ sinh thái vận hành ngành dịch vụ-khách sạn trên nền tảng số. Qua đó, giúp giám sát, quản lý, vận hành kinh doanh thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí. Đồng thời, cần đưa các thiết bị thông minh, hiện đại để quản lý giúp khách hàng và doanh nghiệp có sự tương tác, tăng hiệu quả.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan gian hàng chuyển đổi số trong ngành du lịch. 

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đinh Sỹ Nguyên, Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu về khai thác cơ hội số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các lĩnh vực, với hàng loạt các nghị quyết, kế hoạch. Do đó, ngành Du lịch cần đi trước đón đầu, tận dụng hạ tầng công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin, phần mềm để quản lý, khai thác các giải pháp bán hàng trực tuyến, đặt vé, khách sạn, nhà hàng, giới thiệu các điểm đến, số hóa du lịch…

Thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh. Nhận thức về chuyển đổi số đã có sự thay đổi rõ nét không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn đến các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch đến trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến nay, 26/26 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch thực hiện ở cấp độ 4 (giải quyết qua môi trường mạng), quy trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận. Quảng Ninh tiếp tục duy trì và phát triển trang thông tin điện tử thành phần đáp ứng nhu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của người dân.

Sở Du lịch Quảng Ninh đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, đẩy mạnh thương mại điện tử ngành Du lịch, đề nghị 100% doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu sử dụng website thực hiện các giao dịch thương mại điện tử trong quảng bá hình ảnh. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán các giao dịch bằng hình thức không dùng tiền mặt; cung cấp thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Sở Du lịch, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số; đa dạng hình thức tuyên truyền, thông qua đào tạo du lịch, hệ thống các trang mạng điện tử. Cùng với đó, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực du lịch. Ngành hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường; xây dựng đề án di sản số Vịnh Hạ Long quản trị theo mô hình kinh tế tuần hoàn, quản trị di sản bền vững; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

Ngành Du lịch chủ động xây dựng ấn phẩm xúc tiến điện tử phù hợp với thị hiếu của từng khu vực trọng điểm, tổ chức các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch điện tử, kỹ thuật số; nghiên cứu sử dụng tư vấn chuyên nghiệp nghiên cứu, dự báo, tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế…

Bài, ảnh: Đức Hiếu (TTXVN)
Hải Dương: Cần thay đổi tư duy để chuyển đổi số hiệu quả
Hải Dương: Cần thay đổi tư duy để chuyển đổi số hiệu quả

Ngày 31/3, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương về công tác chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN