Chinh phục núi Cây Đao

Núi Cây Đao nằm phía Tây Bắc, trong cụm Ba Thê, giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, thuộc địa phận Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên chừng 36 km theo đường tỉnh 943 đi Tri Tôn. Óc Eo từ thế kỉ thứ II đến thế kỉ thứ VI là trung tâm, một thương cảng phồn thịnh của Vương quốc Phù Nam huyền thoại. Đã có rất nhiều cổ vật được phát hiện từ dưới nền đất của Ba Thê - Óc Eo…

 

Đến thị trấn Óc Eo, ta sẽ thấy cụm Ba Thê hùng vĩ, sừng sững giữa trời mây, non nước. Có một con đường nhỏ lát bê tông rộng chừng hơn 4 m, uốn lượn quanh co chạy lên đỉnh. Hai bên là rừng cây thâm u, vách đá với vực sâu thăm thẳm. Đường dài hơn 1 km, xe máy chạy khoảng 10 phút tới đỉnh. Đến lưng chừng núi độ hơn 500 m, có ngã ba. Bên trái là đường lên núi Cây Đao, bên phải lên Sơn Tiên Tự.

 

Cây “Thạch Đại Đao” uy nghi - một trong những tuyệt tác thiên nhiên ở Long Xuyên.


Đường lên núi Cây Đao hoang vắng, vách đá dựng đứng, gió thổi lao xao, lau sậy, cây cỏ rì rào, vi vút. Có rất nhiều tiếng chim chìa vôi, khướu, chích choè… hót líu lo, lảnh lót trên những tán cây trâm rừng với những chùm quả mọng đen, bóng loáng.


Thiên nhiên kỳ bí


Gần tới đỉnh, ta sẽ gặp một khoảng sân khá rộng. Ấy là đồi Kim Phượng. Nơi đây có một phiến đá rất to. Hình dáng lạ lùng, tròn như cái nón của các sư cụ. Truyền thuyết và huyền thoại kể rằng: xưa kia, có một người lên núi đi tu, xa lánh thế gian. Nhưng vị này lòng trần chưa rũ sạch, nên chiều chiều ngóng vọng về phương xa nhớ nhà, nhớ vợ. Sau khi ông qua đời, người ta cho rằng vị sư kia đã hoá đá, giống như chuyện Hòn Vọng Phu ở miền Trung và miền Bắc, nhưng đây lại là “Vọng Thê”.


Mé triền núi gần đá “Vọng Thê” có một hang nhỏ gọi là Hang Gió. Đá núi chồng khít lên nhau tạo thành quang cảnh lạ, đẹp mắt và bí ẩn. Kề tai vào vách đá, ta sẽ nghe tiếng gió thổi “hu…hu” rất lạ lùng và thú vị. Trong Hang Gió rất mát mẻ, đây còn là nơi các vị ni sư tĩnh tâm, khổ hạnh…


Từ đồi Kim Phượng ta đi thêm một quãng nữa sẽ đến đỉnh Cây Đao, đấy là một mỏm núi cheo leo có một căn nhà lục giác, mái giả âm dương theo kiểu am miếu cổ điển Trung Hoa. Trong nhà lục giác có cây “Thạch Đại Đao” khổng lồ bằng đá dựng đứng, uy nghi, sừng sững, gợi cho ta cảm giác ngưỡng mộ, kính phục sự kỳ bí của thiên nhiên.


Chúng tôi gặp em Dương Thị Chanh Thi, người dân tộc Khmer, Chanh Thi kể cho chúng tôi nghe: thanh đao đá này dài 3,2 m, ngang 0,7 cm, nặng hơn 2,5tấn. Vào một đêm mưa bão, sấm sét đầy trời, nhân dân quanh vùng núi Ba Thê kinh hoàng bởi những tiếng nổ long trời, lở đất từ trên núi. Sáng hôm sau, dân làm rẫy phát hiện một tảng đá bị nứt, vỡ, rớt ra một phiến đá rất giống cây đao, to lớn dị thường. Hồi ấy, người ta cho đó là hiện tượng kỳ lạ, thần bí. Cây “Thạch Đại Đao” đã có lúc bị xô xuống hẻm núi nhưng vẫn không bị vỡ. Về sau, cơ quan du lịch phải dùng cần cẩu, đưa “Thạch Đại Đao” lên và dựng trên chóp của đỉnh Ba Thê, nhằm phục vụ cho khách tham quan, vãn cảnh. Do những câu chuyện trên mà ngọn núi Nhỏ ngày xưa, bây giờ có tên mới là núi Cây Đao.


…Tới đỉnh núi Cây Đao, dừng xe bên chiếc cầu sắt nối liền núi Cây Đao với Chót Ông Tà qua một vực sâu hun hút, bạn cũng có thể ghé vào cái quán độc nhất trên núi để uống nước, thư giãn. Đoạn đường cuối trên núi Ba Thê dẫn đến Chót Ông Tà là điểm cao khá bằng phẳng. Trên chóp đỉnh có tượng ông Tà, khoác áo đen, mặt mày trông rất ấn tượng. Ta có thể ngao du, ngoạn cảnh, ngồi chơi, hóng gió rất thoải mái giữa khung cảnh hữu tình, thơ mộng. Trên chóp núi này, bạn có thể thấy đồng ruộng mênh mông, bát ngát, sông rạch dài xa tít tắp, vườn tược xanh um và thị trấn Óc Eo với nhà cửa san sát, lô nhô dưới chân núi đẹp như tranh vẽ.


Chưa đầu tư nhiều cho du lịch


Chúng tôi trở xuống Ngã ba, và rẽ lên Sơn Tiên tự. Vẫn đường quanh co men theo vách núi. Chùa Sơn Tiên có từ năm 1933, nằm chót vót trên đỉnh Ba Thê kỳ vĩ, gần chùa có tảng đá lớn, cao chừng 3 m, trên có dấu “chân tiên” khá rõ, giữa tảng đá có mọc một cây “Si tầm búi” rễ như chân nôm, chọc vào các khe, rãnh đá tìm nước. Si tầm búi rất sum sê, xanh tốt dù đất đá trên núi không màu mỡ lắm. Trước chùa, gần mé vực có tượng Phật bà Quan Âm cao 9 m, đứng uy nghi, tự tại trên đỉnh non ngàn như nhìn khắp thế gian. Gần tượng Phật Bà có vài mộ tháp cổ không biết có tự bao giờ. Hiện nay, chùa Sơn Tiên do ngài Thích Bảo Siêu trụ trì chấp pháp.


Pháp Toàn - một đệ tử của thầy Bảo Siêu cho biết: Chỉ vào các ngày rằm lớn mới có nhiều người đến viếng. Ngày thường Ba Thê khá vắng vẻ. Thật đáng tiếc cho một thắng cảnh rất đẹp, hoang sơ, hiếm hoi ở đồng bằng đang dần như bị lãng quên. Theo phán đoán của chúng tôi: thường thì du khách về miền Tây là đi vía Bà Chúa Xứ núi Sam, sau đó đi núi Cấm, Hà Tiên rồi về Rạch Giá theo lập trình sẵn của các đầu mối, công ty du lịch. Ba Thê – Óc Eo nằm riêng biệt, lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, không thuận đường cho lắm. Mặt khác, sự quảng bá thắng cảnh này hầu như còn sơ sài, thưa thớt trên các phương tiện truyền thông. Các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu của một khu du lịch.

Vùng Óc Eo, Ba Thê có một danh mục tham quan, du khảo rất phong phú: Núi Cây Đao, Sơn Tiên cổ tự, nhà bảo tàng Óc Eo, di chỉ Óc Eo Gò Cây Thị, khu Nam Linh Sơn, chùa Phật Bốn Tay, chùa Kal-Pô-Prưc, kênh Ba Thê, Giồng Xoài… Ngoài ra, leo núi, chạy việt dã vòng quanh núi, nghỉ dưỡng, ẩm thực… cũng là những tiết mục thú vị. Cách Ba Thê chừng 9 km về phía thành phố Long Xuyên còn có thị trấn Núi Sập là một khu du lịch tuyệt đẹp, non nước hữu tình. Ba Thê hoàn toàn có thể hấp dẫn du khách.


Đặng Hoàng Thám


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN