Cát Bà thu hút khách trong mùa Đông

Cát Bà được coi là điểm đến trọng tâm của Hải Phòng bởi nơi đây chiếm tới 80% lượng khách đến thành phố cảng. Tuy nhiên, Cát Bà có một nhược điểm chỉ khai thác khách mùa hè, còn mùa đông gần như “đóng băng”. Chính vì vậy, hai điểm đến mới của Cát Bà vừa đưa vào khai thác: Hang quân y và khu Pháo đài Thần công được giới lữ hành đánh giá cao.


Hang quân y- niềm tự hào


Trong khu vực Vườn quốc gia Cát Bà có một hệ thống hang động khá huyền bí. Gần đây, hang động ấn tượng với nhiều người ưa khám phá là Hang quân y, một hang hình thành bởi sự kết hợp giữa tự nhiên và bàn tay con người.

 

Khu Pháo đài Thần công.


Nằm ngay ven đường chính của Vườn quốc gia Cát Bà, Hang quân y là một bệnh viện dã chiến quy mô trong lòng núi. Từ trung tâm thị trấn Cát Bà đi khoảng 13 km, chỉ mất khoảng 30 phút là đến đến Hang quân y.


Hang quân y ở khu vực núi thuộc khu Khe Sâu (thôn Hải Sơn, xã Trân Châu, huyện Cát Hải). Trước đây động mang tên Hùng Sơn vì được đặt tên theo một vị tướng thời nhà Trần tham gia đánh trận trên sông Bạch Đằng lịch sử. Từ những năm 1963-1965, nơi đây được xây dựng thành bệnh viện dã chiến, khá hiện đại và có một không hai vào thời điểm đó. Vì vậy, hang này được người dân Cát Bà gọi là Hang quân y.

 

Các công ty lữ hành đang khảo sát ở ngoài cửa hang.


Hang quân y được xây dựng bằng bê tông cốt thép chắc chắn với 3 tầng trong lòng núi, 17 phòng bên trong. Khi được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, ban quản lý địa phương đã cho phục dựng lại thang gỗ dài khoảng 30 m lên cửa hang theo nguyên bản trước kia để đề phòng khi bị địch tập kích sẽ tháo dỡ nhanh. Chính vì vậy, thang gỗ này thường xuyên sửa chữa nhiều lần đảm bảo tính chân thực.

 

Khu tầng 3 của Hang quân y


Để vào hệ thống trong lòng núi phải qua 1 cánh cửa sắt kiên cố. Cánh cửa cong gồ lên có mục đích chống đạn, bom. Mỗi khi bom nổ, cánh cửa khiến mảnh đạn văng sang hai bên thay vì găm trực diện. Ngay sau tấm cửa kiên cố với 4 chốt sắt phụ, 1 chốt chính và phải mở đúng kiểu cánh cửa mới xoay ra được. Tầng 1 xây dựng bê tông cốt thép với nhiều phòng chức năng phục vụ khám chữa bệnh; còn tầng 2 và tầng 3 dựa vào vách đá tự nhiên. Tầng 2 là khu vực chiếu phim và kiểm tra thể lực. Tầng 3 là sảnh đón tiếp, phòng gác và phòng sĩ quan. Để lên tầng 2, có 2 đường lên và đều không phải dễ dàng bởi nhằm gây khó khăn cho địch nếu chúng tấn công bất ngờ. Trên khu tầng 2 có khu vực phòng chiếu phim đồng thời cũng là hội trường, nơi tập luyện tác chiến... Mặc dù có những chỗ trần rất thấp, phải nằm bò mới có thể di chuyển được nhưng nó rất hợp cho công tác huấn luyện. Cuối đường hầm là 2 tấm cửa sắt lớn chống địch đột kích, công phá. Đây cũng sẽ là lối thoát hiểm nếu địch tấn công từ phía cửa trước. Cổng ra cũng là lối thoát hiểm nằm ở mặt khác ngọn núi, ẩn mình sau những nhũ đá lớn. Ước tính, toàn bộ bệnh viện dã chiến này rộng gần 2.000 m2. Hang quân y là một kiệt tác trong xây dựng thời chiến tranh bởi đó là một bệnh viện dã chiến nằm trong lòng động, với sức chứa hơn 100 người. Nằm trên độ cao khoảng 100 m so với mặt nước biển với cửa hướng ra phía thung lũng Khe Sâu nên động là nơi lý tưởng để trở thành cơ sở phục hồi chức năng. Theo anh Hùng, chuyên viên Trung tâm thông tin Cát Bà: Theo tài liệu còn lưu lại, Hang quân y có đủ các phòng chức năng, hệ thống đường đi lại, thông gió, hướng ánh sáng được hoàn thiện từ khu vực cửa động ra đến phía đằng sau. Bệnh viện dã chiến được trang bị thiết bị khá hiện đại vào thời điểm đó, kết thúc chiến tranh, các thiết bị này được mang về bệnh viện trung tâm thị trấn.


Hang quân y không chỉ là niềm tự hào của ngành quân y Việt Nam mà còn là niềm tự hào của người dân đảo Cát Bà. Để phục vụ cho Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013, Hang quân y đang được chỉnh trang để trở thành điểm du lịch kết hợp hài hòa trong khu vực Vườn quốc gia Cát Bà. Đại diện các doanh nghiệp lữ hành thốt lên: Không ngờ ở đảo Cát Bà lại có một bệnh viện trong lòng núi hiện đại như vậy. Đến Hang quân y, du khách hiểu hơn về một địa danh lịch sử cho thấy công tác chuẩn bị của người dân đối với cuộc chiến trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam trong những năm 1963 - 1965 bằng máy bay và tàu chiến.


Pháo đài thần công- điểm quan sát lý tưởng


Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, chừng 10 phút xe chạy, du khách tận hưởng cung đường quanh co để lên đến khu cao điểm 177. Cao điểm 177 còn được biết đến với tên gọi khác là Pháo đài Thần công. Có tên gọi này bởi điểm di tích lịch sử này nằm trên đỉnh ngọn đồi có độ cao 177 m so với mực nước biển. Điểm cao này đã được người Pháp phát hiện và xây dựng bởi vị trí quan sát thuận tiện. Nơi đây được xây dựng hệ thống trận địa các khẩu pháo đối hải cỡ lớn và hệ thống hầm, hào công sự được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ 20. Tại đây còn lưu giữ những kỷ vật lịch sử là 2 khẩu pháo với trọng lượng mỗi khẩu hàng chục tấn. Nhờ vào vị trí đắc địa, điểm cao thu trọn một dải Biển Đông trong tầm mắt, Pháo đài Thần công trở thành nhân chứng lịch sử đồng hành cùng quân và dân Cát Bà trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.


Từ khi mở cửa vào năm 2010, khu Pháo đài Thần công là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Cát Bà. Tại Pháo đài Thần công, du khách sẽ có cơ hội ngắm danh lam thắng cảnh của vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà từ nhiều góc độ. Từ trên cao lộng gió, du khách cảm nhận được gần gũi với thiên nhiên, nơi giao hòa của trời và đất, núi và biển.


Cát Bà đang phụ thuộc vào thời tiết để thu hút khách. Mùa hè, Cát Bà luôn trong tình trạng quá tải, trong khi đó mùa đông thì vắng khách. Khu Pháo đài Thần công và Hang quân y được coi là điểm nhấn hấp dẫn trong hành trình Cát Bà - Hạ Long- Yên Tử mùa đông được nhiều doanh nghiệp lữ hành phương Nam giới thiệu trong hành trình du xuân miền Bắc. Hoàn thiện dịch vụ và quảng bá rộng, những điểm mới của du lịch Cát Bà sẽ dần khắc phục tính mùa vụ trong du lịch.

 

 

Bài và ảnh: Xuân Minh - Thu Nguyệt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN