Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cả nước mới đón hơn 733.000 lượt du khách quốc tế, đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay và chỉ bằng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Toàn ngành du lịch hiện đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm thu hút khách quốc tế, bởi mùa cao điểm du lịch quốc tế ở nước ta thường kéo dài từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 5 năm sau. Tuy vậy, nhiều đơn vị quản lý, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều có ý kiến cho rằng, chính sách về thị thực (visa) nước ta vẫn cần cởi mở hơn nữa.
Báo cáo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện từ đã được triển khai nhưng tính chất cạnh tranh còn thấp. Thời gian miễn thị thực theo Luật Xuất nhập cảnh hiện nay là 15 ngày, chưa phù hợp với nhu cầu lưu trú dài ngày từ 3-4 tuần của du khách quốc tế từ các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao xem xét mở rộng các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa và được thực hiện chính sách e-visa; khôi phục việc cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, khách đến Việt Nam mắc COVID-19, được điều trị tại chỗ, sau khi khỏi bệnh muốn rời Việt Nam thì cũng cần đơn giản hơn về thủ tục và triển khai cấp visa điện tử cho các trường hợp này. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc sản phẩm của Vidotour Indochina Travel cho hay: Thực tế cho thấy là khách quốc tế đến Việt Nam những tháng qua có tăng so với năm 2021 nhưng nếu so với năm 2019 thì vẫn giảm tới 92%. Doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang rất cần chính sách visa cởi mở hơn, tháo gỡ được các “điểm nghẽn” trong cấp visa, đặc biệt là đẩy nhanh, đẩy mạnh việc cấp e-visa nhằm tạo điểu kiện thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. Bởi lẽ khách đến càng đông, lưu trú càng dài thì doanh thu của ngành du lịch càng tăng cao.
Ông Nguyễn Thiên Phúc chia sẻ: Ngoài chính sách visa, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân cần xây dựng được chiến lược truyền thông tàm quốc gia cho du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách trong thời gian tới. Vấn đề bổ sung nhân lực, người lao động có trình độ chuyên môn trong ngành du lịch cũng là điều cần kíp trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.
Hiện Tổng cục Du lịch cùng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với các doanh nghiệp, hãng hàng không và các điểm đến đã lên kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường như khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu…
Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA (JATA Tourism Expo) tại Nhật Bản từ ngày 22-25/9. Đây là hội chợ du lịch quốc tế hàng đầu trong khu vực, tập trung thu hút khách Nhật Bản, một trong những thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Tiếp đó là Hội chợ Du lịch thế giới WTM (World Travel Market) tại Vương quốc Anh từ ngày 7-9/11. Đây cũng là hội chợ du lịch quốc tế lớn hàng đầu thế giới, tập trung các đối tác lớn từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó là các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu, Bắc Mỹ, Australia...).
Ở trong nước, du lịch Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC (International Travel Expo) tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 8-10/9. Sau đó là chương trình xúc tiến du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Công (MTF) diễn ra tại Hội An, Quảng Nam từ ngày 9-14/10.