Các điểm di tích Hải Dương nườm nượp khách du xuân

Theo thông tin từ các Ban Quản lý một số di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong 5 ngày Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh tấp nập khách du xuân.

Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những địa chỉ du lịch thu hút đông khách nhất của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh) vẫn là một trong những địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách nhất. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc cho biết, dịp Tết này, có khoảng hơn 6 vạn lượt khách đến với di tích.

Tháng giêng cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc nên việc trang trí khuôn viên di tích đã hoàn tất từ trước Tết mang lại cho khu di tích diện mạo rực rỡ, làm hài lòng người dân khi về dâng hương trong những ngày đầu xuân. Đặc biệt, tại khu di tích này, có một công trình nghệ thuật cũng thu hút du khách khi về với Côn Sơn, đó là tòa Cửu phẩm Liên hoa đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến khánh thành đúng dịp khai mạc Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2017.

Tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Tranh (Xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang), mỗi ngày có khoảng 1 vạn lượt người đến dâng hương, đi lễ đầu năm. “Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có Tết nào mà lượng người đi lễ, du xuân ở Đền Tranh lại đông như Tết này, chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Có lẽ do nhu cầu của người dân du xuân về với các di tích lịch sử văn hóa ngày càng tăng" - ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Ninh Giang chia sẻ.

Để đảm bảo an ninh trật tự cho khu di tích, trong những ngày lễ tết, Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm và Ban quản lý di tích đã tăng cường lực lượng để phục vụ hướng dẫn du khách tham quan, dâng hương cũng như bảo đảm trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội như móc túi, bói toán, ăn xin…

Thời tiết đẹp cũng ủng hộ việc du xuân, trẩy hội của người dân địa phương và du khách thập phương đến với nhiều điểm di tích và danh thắng khác của Hải Dương.

Tính từ ngày mùng 1 Tết đến hết ngày mùng 5 Tết, Văn Miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) đón khoảng hơn 5.000 lượt khách, đông nhất là quãng thời gian từ mùng 2 đến mùng 4 Tết.

Theo chị Lê Thị Thoa (Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng), năm nào dịp Tết, Văn Miếu Mao Điền cũng đón đông du khách nhưng năm nay lượng khách đến chiêm bái, vui xuân có phần đông hơn. Có nhiều đoàn học sinh hoặc người cao tuổi đông hàng trăm người.

Điểm mới so với Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là dịp Tết năm nay Văn Miếu đã thay thế, tôn tạo được nhiều hạng mục xuống cấp, việc sắm sửa đồ thờ, trang trí khuôn viên cũng được đầu tư hơn, sân bãi đỗ xe cho du khách, lối vào di tích rộng rãi và đẹp hơn nhờ địa phương huy động tốt nguồn lực xã hội hóa phục vụ công tác bảo tồn di tích.

Cũng trong huyện Cẩm Giàng, bên cạnh Văn Miếu Mao Điền tấp nập khách tham quan, di tích Đền Bia (xã Cẩm Văn) cũng là địa chỉ du xuân được đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận tìm về. Là nơi thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh, vị Thánh thuốc Nam của dân tộc nên đa phần du khách đầu năm tới đây đều cầu sự khỏe mạnh, bình an.

Mạnh Minh (TTXVN)
260.000 du khách đổ tới Bà Rịa - Vũng Tàu dịp đầu năm
260.000 du khách đổ tới Bà Rịa - Vũng Tàu dịp đầu năm

Trong 5 ngày (từ mùng 1 đến mùng 5 Tết Nguyên đán), thành phố Vũng Tàu đã đón, phục vụ hơn 260.000 lượt khách du lịch, tập trung đông nhất vào hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN