Các địa phương được mùa du lịch đầu năm

* Hà Nội: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng, đã có 2,08 triệu du khách đến Thủ đô tham quan, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của Hà Nội dịp Tết cổ truyền, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong đó có 2,02 triệu lượt khách nội địa và 60.000 lượt khách quốc tế.
Một số điểm du lịch thu hút đông khách trong dịp này là Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực đền Ngọc Sơn, phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, cùng một số danh thắng, khu vui chơi, giải trí khác trên địa bàn. Số ngày lưu trú của du khách tại Hà Nội tương đối dài, cùng với mức chi trả cao.

* Tiền Giang: Các tour du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với chương trình du xuân Quý Tỵ ở tỉnh Tiền Giang đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Lượng du khách đến Tiền Giang trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua tăng mạnh. Từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng (từ 9/2 - 16/2 dương lịch), tỉnh đã đón trên 97.000 lượt du khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó có gần 18.000 lượt khách quốc tế, doanh thu trên 3,35 tỉ đồng, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Ngày cao điểm, tỉnh đón trên 12.000 lượt khách tham gia các tour du lịch sinh thái gắn với du xuân.


Sở dĩ lượng du khách trong những ngày Tết tăng mạnh nhờ ngành du lịch Tiền Giang đã tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại trên lĩnh vực du lịch, đồng thời các công ty lữ hành cũng có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng tour, tuyến du lịch hợp lý phục vụ du khách; tuyên truyền, thông tin để du khách hiểu và tích cực tham gia các tour du lịch tại Tiền Giang. Ngoài ra, hạ tầng du lịch, đường giao thông, các dịch vụ tiện ích cần thiết khác cũng đã kiện toàn, hoàn thiện giúp du khách thuận tiện trong việc tham gia các tour du lịch Tiền Giang, cũng như kết nối cùng các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Được biết, trong dịp Tết Quý Tỵ có 3 trung tâm du lịch lớn của tỉnh được du khách trong và ngoài nước hết sức quan tâm: Khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông), khu du lịch cù lao Thới Sơn gắn kết với Trại rắn Đồng Tâm (TP Mỹ Tho) và khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (Tân Phước). Để tăng thêm sức hấp dẫn, nhiều hoạt động du lịch mới được mở ra đáp ứng nhu cầu du khách: Du xuân, tát ao bắt cá, tham quan làng cổ và nhà cổ, các di tích văn hóa lịch sử, ăn Tết cổ truyền cùng đồng bào Nam bộ.


* Thừa Thiên - Huế: Ngày 18/2, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải, cho biết: Trong 9 ngày, từ 9/2-17/2 (tức 30 tháng Chạp đến mồng 8 tháng Giêng Âm lịch đã có 83.861 lượt khách vào thăm di tích Cố đô Huế, trong đó có gần 29.000 khách nước ngoài, với tổng doanh thu bán vé vào cửa đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2012.


Trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, các trò chơi cung đình và dân gian; trình diễn thư pháp, trình diễn võ thuật, biểu diễn lân sư rồng... tại khu vực Đại Nội để thu hút du khách. Nhiều hoạt động mới, được tổ chức hết sức công phu như lễ dựng cây Nêu (lễ Thướng Tiêu dưới triều Nguyễn), một nghi lễ đầy ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt được tái hiện tại cửa Hiển Nhơn đến Thế Miếu, gây sự chú ý đặc biệt cho du khách.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN