Từ đầu tháng 9, trên các diễn đàn du lịch, người ta lại “hò” nhau lên Tây Bắc ngắm ruộng bậc thang với những ruộng lúa đang ngả màu vàng ngút ngàn. Ruộng bậc thang đã trở thành “thương hiệu” có tiếng của vùng Tây Bắc hút hồn du khách bởi vẻ đẹp quyến rũ và cả bởi sức lao động của đồng bào trên những sườn núi dốc này.
Thu vàng trên những sườn núi
Vượt qua những cung đường đèo ù cả tai nằm ẩn hiện trong sương lạnh, du khách bất ngờ lạc vào thung lũng đầy sắc vàng ruộng bậc thang trong không gian hùng vĩ của đồi núi trập trùng. Mọi mệt nhọc dường như tan biến và thấy như được gần với thiên nhiên hơn bao giờ hết. Dẫu đứng ở trên cao nhìn xuống hay từ dưới lên, ở góc độ nào cũng thấy ruộng bậc thang mùa thu thật đẹp. Để có thể ngắm vẻ đẹp toàn cảnh của ruộng bậc thang, 3 nơi được dân du lịch “phượt” chấm điểm là: Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Tam Đường (Lai Châu). Đây được coi là 3 đỉnh tam giác mà bất cứ dân phượt nào cũng muốn trải nghiệm.
Nổi tiếng nhất về ruộng bậc thang là Mù Căng Chải (Yên Bái). Trong đó, khoảng 700 ha ruộng bậc thang tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình, được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích danh thắng quốc gia vào năm 2007. Ruộng bậc thang không chỉ giúp người dân đủ ăn, ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế việc chặt phá rừng làm nương rẫy mà còn làm nên danh thắng kỳ vĩ. Đó là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc nơi đây.
Ruộng bậc thang từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của vùng Tây Bắc. |
Dẫn chúng tôi lên thăm ruộng bậc thang, anh Khang A Dua, Phó Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết, cả xã có 128 ha ruộng lúa nước. Nhà nào có nhiều ruộng thì nhà đó đủ ăn. Diện tích để làm ruộng bậc thang còn ít vì độ dốc còn lại lớn. Làm ruộng bậc thang quan trọng nhất phải có nguồn nước ổn định nên phải giữ rừng trên đầu nguồn. "Thường người dân chúng tôi làm ruộng từ dưới làm lên và chủ yếu là một vụ. Do đầu năm, cuối năm nơi đây rét đậm rét hại, không đảm bảo cho hai vụ đâu. Hiện xã có 424 hộ với 2.878 khẩu, trong đó tỷ lệ đói nghèo của xã theo tiêu chí mới là 84%", anh Dua cho biết.
Còn anh Giàng A Hù, Chủ tịch Hội CCB xã chỉ vào mảnh ruộng nhà anh Lù Nủ Chu cho biết: "Chiều dài của mảnh ruộng khoảng 30-35 m, rộng khoảng 1m được anh em trong họ làm đổi công san phẳng trong khoảng 4 ngày". Rồi chỉ tay hướng về ruộng bậc thang phía dưới, anh Hù cho biết, “Thường thì những mảnh ruộng phía dưới cấy được 2 vụ; còn những vụ ở lưng chừng núi này chỉ cấy được 1 vụ. Vụ đầu thường từ tháng 3-4 đến tháng 9-10; vụ tiếp theo từ tháng 12 năm trước đến tháng 5-6 năm sau. Hầu hết ruộng bậc thang tại Mù Căng Chải này được cha ông để lại”.
Vẫn là “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Cảnh đẹp là vậy nhưng theo các doanh nghiệp du lịch, chỉ có Sa Pa đang khai thác khá tốt sản phẩm này phục vụ cho du lịch, nhất là loại hình tour treckking (đi bộ) xuyên qua ruộng lúa, các bản làng. Còn lại, các điểm khác chỉ được nhìn nhận như là tiền đề để hút khách. Thậm chí với danh thắng ruộng bậc thang Mù Căng Chải được xếp danh thắng quốc gia nhưng với nhiều khách đoàn, đường lên vẫn còn khá “tù mù” vì ít thông tin.
Theo ông Lý Chùng Di, Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, thời gian trước, khi ruộng bậc thang chưa được công nhận là danh thắng, cũng đã có khách đến đây. Khi được công nhận danh thắng quốc gia, một tháng ít nhất cũng có chục đoàn khách đi qua; nhưng chủ yếu là chụp ảnh, còn ở lại ít do thiếu nhà nghỉ. Nghe nói tỉnh có dự án phát triển du lịch tại đây, nhưng cụ thể chưa đến xã.
Trong chương trình khảo sát Cung đường Tây Bắc mới đây, các doanh nghiệp lữ hành nhận định, xung quanh Mù Căng Chải chưa có dịch vụ hỗ trợ để giữ chân khách. Nếu chỉ dựa vào ruộng bậc thang là sản phẩm du lịch sẽ mang tính mùa vụ khá cao. Trong khi đó, địa phương hoàn toàn có thể thu hút khách thông qua các điểm du lịch cộng đồng khi có tới 90% dân số huyện Mù Căng Chải là người Mông, chia thành 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lềnh (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ) với truyền thống văn hóa đặc sắc. Du khách có thể tham gia các hoạt động làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: Nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức… Bên cạnh đó, tại huyện Tam Đường (Lai Châu), ruộng bậc thang không cao nhưng trải dài khá đẹp mắt, đặc biệt trên địa bàn có thể khai thác du lịch cộng đồng tại bản người Lự, người Lào mà chỉ Lai Châu mới có.
Đại diện Sở VH, TT&DL Yên Bái cũng thừa nhận, khu vực Mù Căng Chải chỉ có vài nhà nghỉ, các dịch vụ khác đều kém. Nhiều chuyên gia du lịch ví von đây là "sự lãng phí về kinh tế" do cách làm du lịch ở đây vẫn mang tính tự phát. Cần khai thác vẻ đẹp của ruộng bậc thang thành một sản phẩm du lịch. Muốn làm được điều này, cần có sự đầu tư của cả Nhà nước, doanh nghiệp trong đào tạo kỹ năng khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng tại các bản làng để đánh thức lợi thế này.
Bài và ảnh: Xuân Cường