An Giang: Tập trung khai thác du lịch đường sông

Là tỉnh đầu nguồn của vùng châu thổ sông Cửu Long, An Giang là nơi đón nhận dòng Mê Công chảy vào đất Việt, rồi chia làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu. Đây chính là lợi thế để tỉnh phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Việc khai thác, phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch gắn với hệ thống đường sông sẽ góp phần đưa An Giang trở thành địa phương phát triển năng động, động lực tăng trưởng cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. 

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế trải nghiệm cuộc sống "thương hồ" của người dân Miền Tây ở Chợ nổi Long Xuyên.

Tiềm năng nhiều, khai thác còn hạn chế

An Giang là một trong những trung tâm du lịch lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ngoài du lịch tâm linh với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc) đã trở nên nổi tiếng, có thương hiệu, An Giang còn được thiên nhiên ưu ái khi có sông Tiền và Sông Hậu chảy qua với chiều dài hàng trăm Km. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch đường sông.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch, An Giang không chỉ là cửa ngõ giao thương quan trọng mà còn là điểm đến lý tưởng cho các tour du lịch đường sông từ nội địa cho đến liên quốc gia Việt Nam - Campuchia. Là tỉnh biên giới, nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, với dòng sông Hậu hiền hòa, dòng sông Tiền mang nhiều cá, tôm, An Giang là nơi khách du lịch có thể đi qua và ghé lại thăm quan văn hóa sông nước Miền Tây. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch theo tour, tuyến đường sông.

Ngoài Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc), rừng tràm Trà Sư, làng bè sắc màu Châu Đốc, vốn đã nổi tiếng làm điểm nhấn, hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu còn có hàng chục cù lao, cồn lớn nhỏ là những điểm đến có thể thu hút du khách, như: Cù lao Ông Hổ - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng; cồn Én, Nhà thờ cù lao Giêng, Tu viện Phan-Xi-Cô, Tu viện Chúa Quan Phòng được xây dựng cách đây gần 150 năm ở cù lao Giêng (huyện Chợ Mới); làng chăm Châu Phong, nghề dệt lụa Tân Châu…

Tuy nhiên, đến nay An Giang chỉ mới hình thành được 1 tour, tuyến du lịch đường sông rõ nét, là tuyến An Giang - Phnom Penh (Campuchia) bằng tàu cao tốc. Một số tuyến du lịch, tham quan, ngắm cảnh trên sông Hậu, như chợ nổi Long Xuyên, làng bè sắc màu Châu Đốc,… đang được tổ chức khai thác, nhưng các sản phẩm ở loại hình này còn đơn điệu, mang tính tự phát và thiếu sự kết nối. Còn lại, các tuyến khác gần như chưa được khai thác.

Ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho rằng, hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc, mạng lưới giao thông thủy phong phú, mở ra cho An Giang cơ hội phát triển đa dạng các loại hình du lịch đường sông cả nội địa lẫn quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, du lịch đường sông của tỉnh còn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác, nhiều tour rất ít khách.

Theo ông Đào Sĩ Tuấn, nguyên nhân cản trở sự phát triển du lịch đường sông là các sản phẩm du lịch vẫn chưa hoàn thiện. Mới có một số ít điểm đến được đầu tư cầu phao, các dịch vụ tiện ích đi kèm (khu vực dịch vụ, nhà hàng, thể thao...) Đa phần, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm còn rất hạn chế.

Mặt khác, loại hình du lịch đường sông ở An Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn chưa có chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Các địa phương thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch đường sông. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế về cơ chế chính sách, khiến các doanh nghiệp gặp khó trong đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch đường sông...

Nâng cao chất lượng các sản phẩm

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, năm 2024, tỉnh ước đón gần 9 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, thị trường khách du lịch đường sông hiện nay chủ yếu là khách quốc tế chiếm tỷ trọng không đáng kể; du khách châu Âu chiếm khoảng 85%, khách nội địa khoảng 10%, còn lại 5% là khách du lịch đến từ các quốc gia khác. Nhiều du khách Anh, Pháp vẫn đang “kết” các tour đi dạo trên sông Hậu bằng thuyền du lịch nhỏ, tận hưởng không khí mát mẻ, trải nghiệm “cuộc sống thương hồ” một cách chân thực, mộc mạc của người dân vùng sông nước Miền Tây ở chợ nổi Long Xuyên, hay làng bè nổi tại ngã ba sông Châu Đốc…

Trong chuyến khảo sát các tuyến đường thủy nội địa, cảng sông trên địa bàn tỉnh An Giang mới đây, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, An Giang có rất nhiều lợi thế về giao thông và du lịch đường sông, đặc biệt là tuyến đường sông kết nối với Vương quốc Campuchia. Do vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế từ giao thông đường thủy cũng như du lịch đường sông để đánh thức tiềm năng và không lãng phí tài nguyên du lịch.

Chú thích ảnh
Chợ nổi Long Xuyên (thành phố Long Xuyên, An Giang) là nơi hiếm còn giữ được nguyên vẹn không khí buôn bán “thương hồ” của miền sông nước như từ hàng trăm năm qua.

Cụ thể, đối với tuyến giao thông đường thủy, An Giang sẽ tập trung quy hoạch để phát huy hiệu quả hoạt động của các bến thủy nội địa, đồng thời kết nối với giao thông đường bộ để phục vụ tốt cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chăm lo đời sống của người dân.

Đối với du lịch đường sông, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng, hiện nay, du lịch sinh thái theo hướng thân thiện môi trường là một trong những loại hình du lịch có rất nhiều tiềm năng phát triển, là xu hướng chính trong phát triển du lịch thời gian tới. Do đó, An Giang sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp với các hãng lữ hành, công ty du lịch nghiên cứu để hình thành các tour, tuyến du lịch đường sông kết nối giữa các địa phương trong tỉnh với nhau, giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và giữa tỉnh An Giang với Vương quốc Campuchia.

“Các sản phẩm du lịch sông nước của tỉnh An Giang cần được xây dựng theo hướng trải nghiệm nét sinh hoạt của bà con thương hồ trên chợ nổi Long Xuyên, làng bè sắc màu Châu Đốc và cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông… Do đó, các sản phẩm sẽ được khai thác dựa trên lợi thế dọc theo sông Hậu, sông Tiền và hệ thống cồn, cù lao nhằm nêu bật tính văn hóa bản địa, từ đó định vị du lịch đường sông là sản phẩm độc đáo, chuyên biệt của tỉnh An Giang. Trong đó, lấy Khu du lịch quốc gia Núi Sam (thành phố Châu Đốc) làm điểm nhấn trong hành trình các tour, tuyến du lịch của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng lưu ý.

Ðồng thời, An Giang sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy, xây dựng bến tàu, cầu cảng và phát triển dịch vụ hỗ trợ; các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt của mỗi dòng sông.

Đặc biệt, An Giang sẽ tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch đường sông nói riêng nhằm mang lại cho du khách một trải nghiệm thú vị, tuyệt vời hơn, xứng đáng là một trong những trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Khai thác du lịch đường sông Đông Nam Bộ
Khai thác du lịch đường sông Đông Nam Bộ

Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ là nơi có nhiều con sông lớn chảy qua. Đó chính là lợi thế để phát triển nhiều ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở vùng đất này. Việc khai thác, phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch gắn với hệ thống đường sông sẽ góp phần đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động và là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN