Năm 1997, khi nhìn thấy nguy cơ thiếu hụt đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản cả về số lượng và chất lượng của nước nhà, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) đã đề xuất với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) về đề án đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng (CNKHTN), mở ra một hướng mới trong bồi dưỡng nhân tài của đất nước.
Hiệu trưởng trường ĐHKHTN, PGS.TS. Nguyễn Văn Nội phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Chương trình đào tạo đặt 3 mục tiêu xây dựng một mô hình đào tạo tài năng trẻ tuổi mới ở Việt Nam, tạo bước đột phá tiếp cận chất lượng quốc tế; thu hút những học sinh năng khiếu, xuất sắc theo học các ngành khoa học cơ bản; cung cấp cán bộ khoa học cơ bản kế cận, bổ sung cho ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu lớn khác.
Nguồn tuyển sinh của hệ đào tạo CNKHTN là các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập như hành viên đội tuyển Olympic Quốc tế các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học; thành viên đội tuyển Quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kĩ thuật quốc tế, có nội dung đề tài dự thi phù hợp với ngành học; Giải Nhất, Nhì, Ba học sinh giỏi Quốc gia các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học...
Từ đây, sinh viên được đầu tư gấp gần 4 lần so với sinh viên hệ chuẩn; có sự hỗ trợ tốt nhất về cơ sở vật chất, giảng viên; nhận học bổng cao hơn mức trung bình suốt 4 năm học; ưu tiên ký hợp đồng làm giảng viên khi ra trường; xét chuyển tiếp nghiên cứu sinh và nhiều quyền lợi khác. Đặc biệt, Hệ áp dụng công nghệ giảng dạy, học tập tiên tiến, chương trình đào tạo CNKHTN thiết kế cho những sinh viên xuất sắc, tiếp cận và đáp ứng phù hợp 80% các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến, trong nhóm 100 trường đại học xếp hạng cao nhất thế giới.
Tham gia đào tạo CNKHTN là đội ngũ các giáo sư giỏi, nhiều kinh nghiệm giảng dạy, các nhà khoa học có uy tín với trình độ chuyên môn cao cùng tham gia đào tạo CNKHTN. Một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới, từng đạt giải Nobel đã đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với sinh viên các khóa CNKHTN của Trường ĐHKHTN như: GS. James W. Cronin (Nobel 1980, GS. Klaus Von Klitzing (Nobel 1985), GS. Norman Ramsay (Nobel 1989), GS. Jerome Friedman (Nobel 1990), GS. Gerard 't Hooft (Nobel 1999), GS. Kurt Wüthrich (Nobel 2002).
GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, khẳng định: "Hệ đào tạo CNKHTN của Trường ĐHKHTN đã góp phần cứu ngành Toán học khỏi thảm cảnh bị tan rã tại Việt Nam vào những năm chuyển tiếp sang thiên niên kỷ. Nhờ Hệ ra đời mà nhiều em có năng lực Toán thật sự đã theo đuổi học Toán sau khi tốt nghiệp phổ thông".
Hiệu trưởng trường ĐHKHTN, PGS.TS. Nguyễn Văn Nội chia sẻ: "Thành công của 20 năm Hệ đào tạo CNKHTN đem lại nhiều bài học quý báu trong xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện và đổi mới. Thành công có được là bởi những cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ thầy cô giáo cùng các thế hệ sinh viên. Để tiếp tục phát triển hơn nữa, lãnh đạo Nhà trường luôn mong mỏi có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng và Nhà nước về chiến lược đào tạo nhân tài. Về phía trường ĐHKHTN, Nhà trường luôn ý thức và chú trọng đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình và có trách nhiệm cao; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho sinh viên giúp khơi gợi đam mê vào khoa học cơ bản".
Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng, đánh giá: "Tập thể thầy và trò của Hệ đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng (CNKHTN) bằng tâm huyết và lao động sáng tạo của mình đã góp phần khẳng định một mô hình đào tạo tài năng trẻ tuổi, có thể được coi là bước đột phá giúp ĐHQGHN vươn lên tiếp cận trình độ quốc tế".
Nhiều những kỷ niệm đáng nhớ được thầy cô và các cựu sinh viên Hệ đào tạo CNKHTN chia sẻ. |
Tính đến nay, đã có hơn 1.000 cựu sinh viên Hệ CNKHTN đã có sự nghiệp khoa học đầy triển vọng, góp phần tích cực cho sự tiến bộ của nền khoa học và sự phát triển của đất nước.
Tiến sĩ Toán học Nguyễn Duy Tân, một trong hai người được trao Giải thưởng Viện Toán học, giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ xuất sắc làm việc ở Việt Nam. Anh đã có loạt công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thế giới...
Tiến sĩ Hóa học Phan Vũ Xuân Hùng là thành viên trong nhóm nghiên cứu của Giáo sư Thuc-Quyen Nguyen, Đại học California Santa Barbara (Hoa Kỳ), với các đề tài, dự án nghiên cứu đỉnh cao. Nhóm của anh luôn quan tâm đến việc tập hợp các nhà khoa học trẻ người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sự phát triển của đất nước.
Với trình độ ngang tầm quốc tế, nhiều cựu sinh viên được công nhận kết quả học tập và nhận học bổng và tài trợ để làm tiến sĩ, sau tiến sĩ ở nước ngoài. Cộng với sự giới thiệu của lãnh đạo, giảng viên Trường, cựu sinh viên Hệ đào tạo CNKHTN đã giành được học bổng sau đại học tại các trường danh tiếng trên thế giới, như: ĐH Harvard, ĐH Stanford, ĐH Princeton, Học viện Công nghệ Massachusett, Học viện Công nghệ California, ĐH Cambridge, ĐH Oxford (Anh), ĐH Tokyo, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), ĐH Melbourne, ĐH New South Wales, ... Năng lực của họ được các giáo sư trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ đánh giá rất cao. Sau đó, họ dễ dàng có được vị trí làm việc tốt ở nước ngoài hoặc trở về Việt Nam công tác.
Hệ đào tạo CNKHTN khởi đầu một trào lưu giáo dục mới về đào tạo sinh viên trình độ cao trong khắp cả nước vào cuối những năm 1990 và đầu thập kỷ 2000-2010. Hệ đã góp phần quan trọng đưa lĩnh vực khoa học tự nhiên của ĐHQGHN vào top 100 các trường đại học của châu Á, cũng như góp phần vào việc nâng cao và duy trì thứ hạng 139 của ĐHQGHN trong 250 trường đại học hàng đầu châu Á, đứng đầu bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam.