Không phải nhớ nhung nữa rồi chiếc xe đạp và những vòng xe quay đều như trong ca khúc của nhạc sĩ- ca sĩ Ngọc Lễ, giờ đây, xe đạp đã trở lại, như một niềm vui chậm trong cuộc sống nhanh này…
Thương hoài những vòng xe…
Sở hữu một chiếc xe spacy trắng từ hơn chục năm nay, những tưởng chẳng bao giờ còn sờ tới xe đạp, thế nhưng cách đây 3 tháng, Xuân Khánh đã quyết định chọn mua một chiếc xe đạp dạng xe địa hình giá 3 triệu đồng. Và ngày ngày, lúc 5 giờ sáng, Khánh dậy đạp xe vòng quanh Hồ Tây. Thong thả từng guồng xe với chặng đường kéo dài đúng 40 phút, hít thở khí trời trong trẻo, ngắm những bông sen hồ bắt đầu e ấp khoe duyên, cùng con đường vắng tanh, Khánh bảo cảm giác không còn gì sướng hơn. “Giờ ấy hầu như rất ít xe, chỉ lác đác có người đi bộ, cả con đường, cả hồ cứ như là của riêng mình, thật tuyệt vời. Công việc của tôi sử dụng trí óc nhiều, nên những giờ đạp xe như vậy thực sự khiến tôi khỏe lại. Không những thế, nói thật là ngồi nhiều, lại cũng nhậu nhiều nữa nên cân nặng cũng vượt quá mức quy định, đạp xe trong 3 tháng, tôi xuống được vài cân rồi chứ chẳng ít”- Khánh hỉ hả kể.
Những đôi phượt xe đạp đã hình thành cùng với thú chơi xe đạp. Ảnh: CTV |
Thục Kh mua cho cô con gái 12 tuổi chiếc xe đạp từ cách đây 2 năm, theo yêu cầu của cô bé “để chiều chiều khi hết giờ học, con và các bạn có thể đạp xe trong sân trường”. Nhìn con ngày ngày guồng xe trong trường, cũng cảm thấy chút xao xuyến nhớ về những ngày xưa, khi “xe đạp ơi…” còn chất chứa bao điều lãng mạn của tình yêu đôi lứa, nhưng giờ đây Thục Kh mới quyết định sắm riêng cho mình một chiếc xe đạp. Điều này cũng bởi cái khát khao tối tối được đạp xe vòng quanh hồ Ngọc Khánh, vừa như một sự thư giãn, vừa như một môn thể dục, và quan trọng hơn- vừa như sự tự thưởng cho mình những giây phút rất riêng tư để có thể nghĩ riêng, dành riêng cho những cảm xúc của mình… “Hôm ấy, quyết tâm lên Bà Triệu, thế là em vác về cái xe địa hình cũng gần 4 triệu đồng đó, chẳng rẻ tí nào, nhưng đến lúc thấy cần thì vẫn mua. Giờ thỉnh thoảng hứng lên còn đạp xe đạp đi làm nữa cơ”- Kh tâm sự.
Nhiều thiết bị hiện đại được trang bị thêm cho “xế độp” |
Đôi khi, cũng giống như một phong trào, tự nhiên ào ra những thú chơi, thú vui, những sở thích rất “cộng đồng”. Và sự trở lại của xe đạp cũng là như thế- một sở thích rất cộng đồng. Có tính cộng đồng nên nó - thú đi xe đạp - mới trở lại nhanh và dữ dội tới vậy. Lý do của sự trở lại thì cũng nhiều: Vì là một môn thể dục, vì sự mong muốn chậm lại trong một xã hội ngày càng “guồng” nhanh hơn, vì những hồi ức rất xưa, và có thể nữa- vì những sự thắt chặt chi tiêu trong cuộc sống. Rất nhiều lý do đưa ra, mỗi người tự chọn cho mình một lý do. Nhưng chung quy lại, đều thấy sự trở lại của những chiếc xe đạp là… có lý với mình.
Càng có lý hơn khi bắt đầu những hội xe đạp, và được gọi bằng cái tên rất “quái” là “Hội xế độp” đã hình thành, thu hút cả những người vốn rất sợ thò mặt ra đường ngày nắng, ngày mưa vì quen đi bốn bánh. Có vẻ, những niềm vui từ việc guồng đôi chân, từ việc bỏ sức ra để đạp xe thay vì phụ thuộc vào máy móc, vào tự động… đã khiến nhiều tư duy được thay đổi.
Nguyễn Đ.H. vốn là thành viên của diễn đàn otofun, đam mê ô tô cũng thuộc vào loại nổi tiếng. Thế rồi, đột nhiên bạn bè thấy chàng công tử quen bốn bánh sắm cho mình chiếc xe đạp địa hình. Tất nhiên, giá không hề rẻ, ngót nghét cũng gần chục triệu đồng. Cùng nhóm bạn bè, cũng toàn dân otofun, H. thành lập một hội “xế độp”, chuyên phượt bằng xe đạp. Những chặng đường mà họ đã đi qua khiến nhiều người thấy toát mồ hôi vì nó cũng chẳng kém mấy những tay đua chuyên nghiệp. Chặng ngắn nhất là một vòng Hồ Tây những sáng cuối tuần, với thời gian ngót nghét 30-45 phút, kết thúc bằng chầu trà đá ngắm hồ khi mới chỉ hơn 6 giờ sáng. H. giảng giải: “Thông thường mùa này là 6 giờ 15’ đã về ngồi trà đá rồi, nếu không nắng đạp mệt lắm. Đạp một vòng hồ thì khoảng 30-45 phút tùy người, nên mọi người trong nhóm thường bắt đầu đạp xe lúc 5 giờ 30’ tới 5 giờ 45’. Có hai điểm hay xuất phát là Quán Thánh hoặc đầu phố Văn Cao cắt vào Hồ Tây. Ngay cả đường chạy cũng tùy người, theo chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ. Đoạn cuối là chạy qua Hanoi Club và hội nhau ở quán trà đá Hồ Tây”.
Nhưng đó cũng mới chỉ là chặng ngắn nhất, như đã nói. Còn những chặng dài của H. và nhóm “xế độp” là tới 160 km như chặng Hà Nội- Việt Trì- Hà Nội ngày 19/5 vừa qua. Và trước đó, là cung Hà Nội - Ga T1 - Đông Anh - Hà Nội, dài 70 km. Cung này do độ dài là “vừa phải” nên cũng được nhóm khai thác khá thường xuyên. “Vừa đạp xe thong thả vừa ngắm đường sá, tiện đâu lại ghé đó nghỉ chân, làm chén nước trà hay bát phở gà lấy sức. Đôi khi, đang trên đường anh em hứng lên lại rủ nhau vào một ngôi chùa hay một di tích nào đó ngắm cảnh, thư giãn. Nói chung, với tôi đây là một thú vui tuyệt vời”- H. cho biết. Cũng theo H., giờ đây anh mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, chứ lâu nay, sống gấp quá, đôi khi quên mất cả những cảm giác bình dị nhưng ngọt ngào tới vậy…
Nâng tầm thú chơi
Với nhiều người như Khánh, như Kh, như H, rõ ràng chơi xe đạp vẫn là một thú chơi khá rẻ, với khoản đầu tư tầm dăm bảy triệu đồng, mạnh thì tới chục triệu. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là thú chơi bình dân. Còn ngay với xe đạp, cũng có thú chơi của nhà giàu, chuyện khiến ta đụng chạm vào thấy những… bổ ngửa.
Số là, sự thích thú với phương tiện thô sơ- tức xe đạp- đã khiến nhiều dân chơi thấy tò mò, rồi vào cuộc. Và sau đó là khuấy động một phong trào “chạy đua” sở hữu những chiếc siêu xe đạp, được gọi là “xế độp”, với mức giá khủng chẳng kém gì “xế hộp”: Có thể lên tới hàng trăm triệu đồng!
Với nhóm “dân chơi” này, những chiếc xe đạp được họ lựa chọn chủ yếu là của các hãng xe có tiếng trên thế giới như Treck, Canondale, Hummer, Colnago... Trong mỗi nhãn hiệu như vậy cũng có khoảng hơn chục kiểu dáng cho dân chơi tha hồ lựa chọn. Rẻ nhất là kiểu hard tail với bộ khung cứng cáp, giá khoảng hơn 10 triệu đồng, trung trung là loại khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Còn cao cấp thì giá cực kỳ vô cùng, có thể lên tới 140 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng. Cá biệt, chiếc “siêu xe đạp” M55 Terminus, do chính tay Hoàng tử Monaco thiết kế, chỉ có 250 chiếc loại này được sản xuất trên thế giới, với giá tới 730 triệu đồng. Nghe nói, đã có một dân chơi ở Việt Nam “dám” mua loại xe này rồi!
Theo một dân chơi “xế độp” cho biết, giá xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất liệu và công nghệ. Những chiếc xe đắt thường nhẹ hơn, nhưng chắc chắn hơn. Nó phụ thuộc một phần vào khung sườn là thép, nhôm hay carbon. Những chiếc xe có khung sườn làm bằng carbon chỉ 770 g, toàn xe cũng nặng có 7 kg và có giá tới 200 triệu đồng.
Lý giải về sự đầu tư “khủng” này, các dân chơi cho biết, chơi xe đạp thực ra cũng là một thú chơi. Mà đã là thú chơi thì tất nhiên phải đầu tư, ban đầu có thể mua xe rẻ, nhưng rồi sẽ nâng cấp dần, chưa kể tới việc ngoài xe đạp, còn vô số phụ kiện đi kèm như đèn để đi ban đêm, quần áo- mũ- giày, găng tay, bảo vệ đầu gối, bảo vệ khuỷu tay… chỉ dành riêng cho việc… đạp xe đạp. Tổng chi phí những phụ kiện này, xuê xoa cũng phải lên tới chục triệu đồng! “Thậm chí, nếu không phải dân chơi xe chắc chẳng ai nghĩ những chiếc xe đạp lại có thể được gắn hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS hay có cả màn hình cảm ứng ở phía trước như một chiếc máy tính mini với rất nhiều chức năng khác nhau. Nhiều khi chỉ riêng những phụ tùng đi kèm này cũng có giá tương đương với cả một chiếc xe”- một dân chơi cho biết - “Chính bởi vậy, chơi xe đạp tưởng rẻ mà hóa ra không rẻ, tưởng đơn giản mà hóa ra không đơn giản. Nó là sự đầu tư kỳ công từ kiến thức đến… túi tiền”.
Vĩ thanh
Có khám phá mới thấy cái thú đi xe đạp trở lại hóa ra cũng nhiêu khê. Với người đơn giản thì chuyện gì cũng sẽ đơn giản. Còn với người đã muốn cầu kỳ, thì cái đơn giản cũng sẽ hóa thành phức tạp.
Nhưng, cũng lại là một quy luật, chỉ cái gì thực chất mới bền lâu. Thế nên, giới dân chơi xe đạp dạng “con nhà giàu”, thú chơi đến nhanh, chiếm thời gian nhanh, rồi đi cũng khá nhanh. Nhiều người đã bắt đầu rục rịch tỏ ý muốn thanh lý chiếc xe tiền trăm triệu của mình.
Còn với những người vốn bình dị, coi chiếc xe đạp như một nguồn cảm hứng cuối ngày, một chút bình yên trong cuộc sống, thì xem ra sự trở lại từ hiện đại về thô sơ lại làm họ rất hài lòng. Thế nên, mới thấy vui khi những vòng xe đã trở lại với rất nhiều người, những người có tuổi như nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có, những người tầm trung trung như nhiều người bạn tôi cũng có, và những người nhỏ tuổi như những học sinh cấp ba cũng có. Để cuộc sống bỗng nhiên có những lúc mơ màng như những vòng nan hoa xe đạp, chậm thôi, thoảng thôi, nhưng đáng để thử và để yêu…
A.A