Vĩnh biệt người mê tranh lạ lùng

Có thể nói, giới họa sĩ ở xứ ta gần như ai cũng biết và quý nhà sưu tập tranh Lê Thái Sơn (7/4/1968-26/7/2012), vì anh là một người mê tranh lạ lùng. Gần như chỗ nào ở Sài Gòn có triển lãm là anh đều xuất hiện để xem và mua tranh. Dù thâm niên sưu tập tranh chỉ khoảng 15 năm, nhưng bộ sưu tập lại nhiều về lượng và chất. Căn nhà nhỏ của Sơn ở hẻm 90 đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM chỗ nào cũng thấy tranh treo đủ kích cỡ.


Nhưng giờ đây anh không còn nữa, Lê Thái Sơn đã vĩnh viễn lìa cõi thế vào 22h30 ngày 26/7 tại TP.HCM…


Nói về việc sưu tập của mình, tháng 8/2008, Lê Thái Sơn từng trả lời TT&VH rằng, bằng kinh nghiệm của bản thân, anh cố gắng kiếm cho được những tác phẩm mà họa sĩ “vẽ cho mình”. Anh mua tranh, ưu tiên tranh đẹp, chứ không ưu tiên tác giả nổi tiếng. Không nổi tiếng mà tranh đẹp, mua; nổi tiếng mà tranh không đẹp, không mua; nếu vừa đẹp vừa nổi tiếng thì tất nhiên là quá tốt. Quan điểm này đã được Lê Thái Sơn duy trì và gìn giữ trong suốt đời sưu tập của mình.


“Tiểu sưu tập” hiểu biết


Khi anh còn sống, nhiều ý kiến thắc mắc rằng không hiểu anh lấy đâu ra nhiều tiền để sưu tập tranh. Có người còn đa nghi rằng anh làm ăn mờ ám mới giàu có chơi tranh như vậy! Sự thật thì, anh phải làm việc rất cật lực. Lê Thái Sơn học ĐH Bách khoa Hà Nội, từng làm ở một vài công ty xuất nhập khẩu và đầu tư. Nhiều năm liền kinh doanh hóa chất dùng trong sản xuất gạch men, vốn cung cấp độc quyền cho công ty lớn bậc nhất miền Nam, “một vốn bốn lời”, nên anh giàu lên nhanh chóng. Sau này anh đầu tư chứng khoán, lúc thành công, lúc hòa vốn, lúc thất bại, nhưng tất cả số tiền kiếm được đều dùng để sưu tầm tranh. Kể cả mua tranh làm từ thiện, như tranh trong các triển lãm biếm họa do báo TT&VH tổ chức.

HS Lê Thái Sơn.


Lê Thái Sơn từng nói: “Các bác nhà giàu bây giờ ở trong căn nhà triệu đô, mua máy bay riêng, siêu xe xịn… nhưng hiếm người chịu bỏ tiền mua tranh. Xe xịn, máy bay, nhà to rồi sẽ mất nhưng tranh nghệ thuật càng để lâu càng giá trị”. Anh luôn mong muốn tranh Việt có giá trị không bị “chảy máu” ra nước ngoài. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước, vì một vài nhà sưu tập như anh không thể tạo ra sự thay đổi khi Việt Nam chưa có một thị trường nội địa thực sự và nhất là các đại gia chưa quan tâm đến mỹ thuật.


Có lần anh nói: “Vợ không hiểu, thường cằn nhằn tại sao mình cứ tha mấy bức tranh cũ mèm, ố màu vẽ từ thời chiến về làm chi cho chật nhà”. Trong vô vàn lý do, tranh là một yếu tố làm gia đình nhỏ của anh phải chia hai.


Không chỉ đam mê tác phẩm, Lê Thái Sơn còn dành rất nhiều thời gian cho việc đọc các tài liệu có liên quan đến tác giả, tác phẩm và lịch sử hội họa. Luôn tự nhận mình là “tiểu sưu tập”, nhưng thông tin, sự nhạy cảm và hiểu biết về mỹ thuật thì khá phong phú. Bất cứ ai nói đến điều này đều xem như “gãi đúng chỗ ngứa”, anh sẽ thao thao bất tuyệt, nhiệt tình và chân thật, biết gì nói nấy. Cách đây hai ngày, anh từng ăn vận nghiêm chỉnh để đến phim trường “chém gió” về tranh với đạo diễn Lê Hoàng.


Ngày cuối nhiều sự kiện


Sáng 26/7, Lê Thái Sơn cùng với trợ lý (tên là Long) còn tận tình tải lên facebook nhiều tác phẩm của các họa sĩ cổ điển và tân cổ điển, chủ yếu đến từ Úc, Nga… Gần trưa, Lê Thái Sơn còn hào hứng theo phóng viên TT&VH đến tư gia Bùi Chí Vinh để xem tranh mới vẽ, anh đã có những nhận xét thẳng thắn và đúng mực về khả năng vẽ vời của thi sĩ này.


Khoảng 15h30, anh còn dự định rủ một vài phóng viên mảng văn hóa văn nghệ mua vé giá rẻ để bay qua Singapore dự phiên đấu giá về nghệ thuật hiện đại và đương đại của nhà Larasati và nhà Masterpieces trong mấy ngày cuối tháng 7/2012. Lúc 16h, anh tiếp tục giới thiệu các tác phẩm theo phong cách tân cổ điển của một họa sĩ người Nga, sinh năm 1970.


Khoảng 20h cùng ngày, anh đến dự đám giỗ lần thứ 5 của danh họa Lưu Công Nhân, ngồi cùng với nhà sưu tập Bùi Quốc Chí, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, họa sĩ Nguyễn Tấn Cương… Tranh thuốc nước (màu nước) của Lưu Công Nhân các thập niên 60, 70 của thế kỷ trước được Lê Thái Sơn đánh giá là bậc thầy, anh đã sưu tập khá nhiều.


Khoảng 21h30, anh bị té trước cửa nhà, được láng giềng cấp cứu tỉnh lại, định đi taxi đến bệnh viện thì ngất thêm một lần nữa. Khoảng 22h30 cùng ngày, khi xe cứu thương đến thì anh qua đời.

Lê Thái Sơn trong một lần đi xem tranh thanh lý của ngân hàng Eximbank.


Bạn bè ai cũng biết Sơn không bia rượu, chỉ có cà phê thuốc lá. Mấy ngày trước khi mất, anh than đau ngực nhưng chưa kịp đi bệnh viện kiểm tra…


Giá trị bộ sưu tập


Có thể nói bộ sưu tập về ký họa và hội họa thời chiến của Lê Thái Sơn là hiếm thấy ở Việt Nam, nó vừa nhiều về số lượng (khoảng 300 tác phẩm), vừa tiêu biểu và bao quát suốt lịch sử, từ thời Pháp thuộc cho đến giao tranh biên giới sau này. Lê Thái Sơn từng nói anh muốn sưu tập cho hoàn chỉnh mảng này, sau này sẽ tìm một bảo tàng phù hợp ở Việt Nam tặng lại, với điều khoản sử dụng rõ ràng.


Bên cạnh đó, anh còn sưu tập tác phẩm của hơn 120 họa sĩ Việt Nam, với gần 300 trăm bức. Từ các thế hệ đầu như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Cao Thương, Hoàng Trầm, Văn Tâm, Đỗ Đình Hiệp, Thái Tuấn, Nguyễn Tiến Chung, Tạ Thúc Bình, Thuận Hồ… cho tới đương đại như Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương, Nguyễn Tấn Cương, Phùng Quốc Trí, Nguyễn Quang Vinh, Lê Kinh Tài, Trần Hải Minh, Huỳnh Phú Hà, Nguyễn Huy Khôi, Hà Hùng, Phạm Trần Việt Nam… Đặc biệt, Lê Thái Sơn còn có tác phẩm của danh họa Affandi (1907–1990), nổi tiếng và đắt giá bậc nhất của Đông Nam Á.

Thi hài Lê Thái Sơn được gia đình chuyển về quê, khởi hành tại TP.HCM lúc13h30 ngày 27/7 bằng xe cứu thương, sau đó mới nhập quan. Lễ viếng dự kiến bắt đầu từ sáng 29/7 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Dự kiến sẽ an táng tại nghĩa trang huyện Yên Mô, Ninh Bình.



Theo Thethaovanhoa

Danh họa Việt Nam triển lãm tranh siêu thực tại Thái Lan

Triển lãm tranh với chủ đề “siêu thực và ấn tượng” của danh họa Hồ Hữu Thủ và con trai Hồ Hồng Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN