Vùng đất cổ Đông Triều xưa có tên gọi là An Sinh hay Yên Sinh. Đây là quê gốc nhà Trần trước khi dời đến Tức Mặc (Nam Định) và Long Hưng (Thái Bình). Không chỉ là quê gốc, nơi đây còn giữ vai trò là Trung tâm văn hóa, tín ngưỡng quan trọng thời nhà Trần.
Nguồn cội Trúc Lâm Yên Tử
Chị Nguyễn Thu Hiền, hướng dẫn viên Ban quản lý di tích đặc biệt nhà Trần nói, vùng đất An Sinh Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, ban đầu điện An Sinh được xây dựng từ năm 1381 để thờ ngũ vị hoàng đế nhà Trần. Khác với những nơi khác, An Sinh Đông Triều được Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua đời thứ 3 của nhà Trần lựa chọn là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời giảng pháp độ tăng và hóa Phật của Ngài.
Triều đại nhà Trần đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, khu di tích nhà Trần tại thị xã Đông Triều là quần thể kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng có giá trị đặc biệt, có tổng thể 2.206 ha, với 14 lăng mộ, đền, chùa, am tháp trải rộng trên 4 xã An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An.
Cụm di tích này còn có Am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, nơi được Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đặc biệt sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chọn làm nơi hóa Phật, kết thúc trọn vẹn hành trình tu đạo của vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.
Trở lại những năm cuối của thế kỷ XIII, quần thể kiến trúc văn hóa lịch sử nhà Trần tại Đông Triều được định hình rõ nét về mặt quy mô khi vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của nhà Trần (tên húy là Trần Khâm) đến Yên Tử tu hành, lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là dòng thiền quy tụ, thống nhất những tinh hoa của ba dòng thiền có mặt ở nước ta trước đó (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường) trở thành nền tảng tư tưởng dẫn dắt tinh thần của người Việt Nam vững vàng trước làn sóng nô dịch văn hóa từ bên ngoài tràn tới, góp phần đáng kể bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nước nhà.
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên /Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”... Những câu thơ thể hiện tư tưởng, triết lý nhân sinh, hòa quang đồng trần, phật giáo nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử. Di sản lớn Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại là chất keo gắn kết, tạo nên sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thánh địa linh thiêng
Am Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, thuộc xã Bình Khê (cao hơn 500 mét so với mực nước biển) là công trình có dấu ấn đặc biệt trong cụm 14 di tích quốc gia lịch sử nhà Trần tại thị xã Đông Triều. Hướng thẳng ra biển, quanh năm mây trắng bao phủ, Am Ngọa Vân không chỉ hội tụ vẻ đẹp mênh mang của cánh cung Đông Triều, của núi Bảo Đài, mà còn linh thiêng bởi ngôi tháp Phật hoàng chứa xá lợi của vị Tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử, là thánh địa linh thiêng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự, Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nếu như tại Ấn Độ có tứ động tâm, tức là 4 vị thánh tích, gắn liền với cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni hóa Phật là linh thiêng nhất, thì ở Việt Nam, Ngọa Vân cũng được coi là nơi linh thiêng nhất vì được chứng kiến những giây phút nhập niết bàn và hóa Phật của Ngài. Khác với các di tích đã được trùng tu vào các giai đoạn sau này, Ngọa Vân và các di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần vẫn còn thống am tháp ở đây dày đặc và còn nguyên vẹn. Đặc biệt, nơi đây giữ được nhiều di vật từ thời Trần như hộp hoa sen bằng vàng mới được tìm thấy trong năm 2019 và được công nhận là bảo vật quốc gia."
Hơn 700 năm "cư trần lạc đạo", tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt, mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị - văn hóa - xã hội, góp phần huy động sức mạnh đoàn kết trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
Anh Trương Ngọc Cảnh, trú tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, "ngày cuối năm đến với chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, khi đặt chân đến chốn linh thiêng này, tôi cảm nhận được khung cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp, uy nghiêm. Chúng tôi được vãn cảnh và kính lễ Phật hoàng, được biết nhiều hơn đến công lao to lớn của đức Phật Trần Nhân Tông với dân tộc, để ghi nhớ và giáo dục cho con cháu mình giá trị lịch sử, nguồn cội của các vị vua nhà Trần".
Thời gian qua, nhiều điểm trong cụm di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều được tu bổ, tôn tạo như chùa Trung Tiết, Quỳnh Lâm và đặc biệt là chùa Thượng - Am Ngọa Vân... Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức, mà tiêu biểu là lễ hội Xuân Ngọa Vân tổ chức vào 9/1 âm lịch.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều cho biết, công trình được quy hoạch lại toàn bộ với cảnh quan 3 phân khu: Bàn cờ tiên, Am tháp và khu phụ trợ hành lễ. Việc tu bổ tôn trọng hiện trạng địa hình và cảnh quan di tích. Cùng với đầu tư, tu bổ, tôn tạo, thông tin tuyên truyền, quảng bá, thị xã Đông Triều cũng quan tâm kết nối hệ thống giao thông, kết nối các khu di tích nhà Trần tại Đông Triều với các khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) và danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) để đưa các tour tuyến du lịch, các hãng lữ hành về với các khu di tích nhà Trần tại Đông Triều.