Tháng Giêng, nơi nơi vào hội. Mỗi địa phương đều có những sắc màu riêng của lễ hội quê mình, nhưng nhìn chung không khí của lễ hội lan tỏa khắp cả nước, khiến ngày xuân càng thêm rộn ràng...
Vĩnh Phúc: Độc đáo Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Đến hẹn lại lên, ngày 7/2 (tức 16 tháng Giêng âm lịch), hàng vạn du khách thập phương lại cùng tề tựu về xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, tham dự lễ hội chọi trâu. Đây là lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam, được giới chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao.
Năm 2012, lễ hội tổ chức quy mô hơn so với mọi năm, số trâu tham dự lên đến 28 trâu và tiền thưởng dành cho trâu thắng cuộc lên tới 35 triệu đồng. Các "chiến ngưu" tham gia lễ hội được người dân tôn kính gọi là ông Cầu. Các ông Cầu được mua về từ các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… qua tuyển chọn kỹ càng, theo những tiêu chí như mình trường, móng hến, đuôi trai, sừng khum, mắt đỏ, "sừng cánh đá, má bình vôi". Đặc biệt các ông Cầu phải đủ 250 vanh (vòng ngực) trở lên mới được thi đấu… Trâu khi mua về được chăm sóc, huấn luyện bằng chế độ đặc biệt trong suốt hơn nửa năm. Ngày 15 tháng giêng Âm lịch, các ông Cầu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội.
Lễ hội chọi trâu được tổ chức theo phương thức gắp thăm, đấu loại trực tiếp cho tới khi còn cặp trâu cuối cùng, thi đấu để tìm ra "ông Cầu" vô địch. Lễ hội kết thúc, cả trâu thắng và thua đều được giết thịt để cúng tế trời đất, người chủ trâu cũng được chia phần là bộ sừng để làm kỷ niệm. Theo quan niệm dân gian, những làng nào có "ông Cầu" chiến thắng thì năm đó làng gặp nhiều may mắn, mọi người mạnh khỏe, mùa màng bội thu.
Theo truyền thuyết, lễ hội này có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước ta, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nhà Triệu lúc bấy giờ là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng giặc, Lữ Gia lại tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, nêu cao tinh thần chiến đấu. Trâu sau khi chọi sẽ giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn ông làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu bắt đầu có từ đó. Tuy nhiên, trong lịch sử đã có thời kỳ vì chiến tranh, lễ hội chọi trâu không được tổ chức. Năm 2002, lễ hội này được khôi phục, tổ chức vào hai ngày 16, 17 tháng Giêng hàng năm và duy trì cho đến nay.
Đà Nẵng: Lễ hội Cầu ngư 2012 mong mưa thuận, gió hòa...
Ngày 7/2, tại khu vực Miếu Thuyền thuộc phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, đã diễn ra lễ hội Cầu ngư 2012. Hàng nghìn ngư dân và du khách đến tham dự lễ hội.
Nghi lễ chính tế tại lễ hội Cầu ngư ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất và quan trọng của người dân ven biển, thường được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa để ngư dân có thể vươn khơi xa đánh bắt nhiều tôm cá. Lễ hội gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mở đầu là nghi lễ nghinh thần để mời các vị thần biển về dự lễ, tiếp đến là lễ cầu an và cầu ngư. Trong phần hội, cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi gắn với cuộc sống đi biển của ngư dân như hội thi đan lưới, thi làm gỏi cá, thi ngoáy thúng, thi đẩy gậy, thi kéo co, thi bóng đá... Ngoài ra còn có chương trình hát bài chòi và thả hoa đăng trên biển vào buổi tối cùng ngày.
Hòa Bình: Đầu xuân đi lễ Đền Bờ
Lễ hội Đền Bờ chính thức được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch. Theo truyền thuyết, Đền Bờ thờ bà chúa Đinh Thị Vân, người Mường ở Hào Tráng và một bà người Dao ở Vầy Nưa. Bà Đinh Thị Vân là người đã giúp Vua Lê lo liệu quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ (Sơn La) để dẹp loạn Tù trưởng Đèo Cát Hãn. Trong khi vận chuyển lương thực, do sóng to gió lớn, thuyền bị đắm tại Hang Miếng, còn xác bà trôi dạt về hang. Do có công với nước, bà được Vua truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ, từ đó nhân dân trong vùng thường xuyên hương khói thờ phụng hàng năm.. Trong đền có 38 pho tượng lớn nhỏ, tượng thờ chính là hai pho tượng bằng đồng. Sự gắn kết giữa thiên nhiên và tín ngưỡng đã khiến cho bất cứ du khách nào khi hành hương đến Đền Bờ cũng dễ dàng tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn. Khi đến đây, dường như mọi lo toan của cuộc sống thường ngày tan biến hết, thay vào đó là sự tĩnh tại, thanh thản trong tâm hồn mỗi người.
Bao giờ cũng vậy, người đi lễ cũng sẽ cầu nguyện ở đền Trình, sau đó mới lên tới đền Chúa. Mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền. Mỗi ngày, Đền Bờ đón hàng ngàn khách thập phương nô nức đến lễ Phật, lễ Chúa cầu may. Sau khi đã hành lễ xong, những người hành hương sẽ cùng nhau thưởng thức món cá nướng sông Đà chính hiệu như cá măng, cá thiều, được xếp thành từng mớ vàng rộm thơm lừng, có khi có hẳn 1 con gà xiên nướng trên bếp than củi hồng rực...
Năm nay, mặc dù lượng khách lớn, tàu thuyền tấp nập, nhưng nhờ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, nên lễ hội Đền Bờ những ngày đầu xuân mới diễn ra an toàn, văn minh, không có hiện tượng chèo kéo, lừa đảo đối với du khách. Đây là tuyến du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh hấp dẫn, nhất là khi hồ Hòa Bình đã được đưa vào điểm du lịch trọng điểm Quốc gia. Đáng tiếc, đến với Đền Bờ, du khách chỉ nặng phần lễ, còn phần hội hầu như chưa có hoạt động gì, trong khi các bản mường ven hồ còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường, người Dao bản địa.
TTN