TS. Phan Thanh Hải: Hạ tầng thiết yếu góp phần bảo tồn di sản bền vững

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - khẳng định, việc xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định là cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, phục vụ lợi ích cộng đồng, phát huy giá trị di sản song vẫn đảm bảo bảo tồn di sản một cách bền vững.

Trong thời gian qua, sau khi Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (gọi tắt là Trung tâm) tiến hành xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định thì ông Nguyễn Đắc Xuân- nhà nghiên cứu Huế, đã có một số ý kiến về vấn đề này.


Để rộng đường dư luận và làm rõ các thông tin liên quan, Tầm Nhìn đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm xung quanh vấn đề này.


Thưa ông, liên quan đến việc xây dựng bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định, ông chắc đã nhận được ý kiến trao đổi, phản ánh của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, vậy ý kiến của Trung tâm về vấn đề này như thế nào?


Đúng là sau khi khởi công xây dựng bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định thì ngày 27/7 chúng tôi nhận được thư nêu ý kiến góp ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân


Ngay khi tiếp nhận và nghiên cứu nội dung thư góp ý, ngày 28/7, Trung tâm đã có văn bản phúc đáp số 898/BTDT-DA về việc trả lời góp ý nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Đến ngày 31/8, qua email cá nhân tôi lại tiếp tục nhận được ý kiến bình luận của ông Nguyễn Đắc Xuân về các nội dung trả lời góp ý trên. Ông Xuân, sau đó, đã cho đăng toàn bộ bình luân trên tại trang facebook cá nhân.

 

Vị trí bãi đỗ xe hiện đã và đang sử dụng hơn 30 năm nay ở ngay khu Tiền án của lăng vua Khải Định và bãi đỗ xe mới đang xây dựng.

Liên quan các nội dung bình luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về việc đầu tư xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan lăng vua Khải Định, chúng tôi đã các có ý kiến giải đáp rất rõ ràng, và ngày 29/8, tại buổi gặp mặt báo chí truyền thông trên địa bàn nhân ngày Quốc khánh 2-9, Trung tâm đã thông tin rộng rãi về vấn đề này.

 


Ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, Trung tâm đã “mưu mẹo” lách luật để cố tình làm hồ sơ xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề trên?


Đó là ý kiến cá nhân của ông Nguyễn Đắc Xuân, còn tôi thì khẳng định rằng đây là một dự án được thực hiện rất bài bản, tuân thủ các quy định của nhà nước, công khai minh bạch. Cụ thể là:


Về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, Trung tâm đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng trình tự qui định pháp lý hiện hành từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư (phải thực hiện tất cả hơn 60 văn bản thủ tục liên quan). Công trình được đầu tư xây dựng thực hiện đúng Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật di sản Văn hóa, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đấu thầu và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan; hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020 (Quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) và Kế hoạch Quản lý quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 09/6/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) trong đó có sự tham gia phối hợp của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế.

 

Cánh đồng lúa của làng Châu Chữ là đất nông nghiệp nhưng thuộc khu vực II Khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Vua Khải Định (chỗ đất do ông Nguyễn Đắc Xuân đề xuất xây dựng bãi đỗ xe).

Đặc biệt, thực hiện qui định tại Luật Đầu tư công dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan tại lăng vua Khải Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong Văn bản số 441/TTg-KGVX ngày 17/03/2016 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2497/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2016.

 


Dự án cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận nhất trí (công văn số 4165/BVHTTDL-DSVH ngày 18/11/2014) và các ban ngành liên quan trong tỉnh đồng thuận.


Xây bãi đỗ xe khu vực ruộng của làng Châu Chữ sẽ dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được việc xây dựng tự phát, tạo áp lực lớn đối với di tích lăng vua Khải Định, tác động xấu đến cảnh quan chung bao quanh khu lăng.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế

Xin nói thêm, việc thỏa thuận dự án đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, hạ tầng tại khu vực di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với bãi đỗ xe tại lăng vua Khải Định là một trong những nội dung thẩm định dự án được thực hiện theo đúng qui định tại Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và Nghị định số số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.


Ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, việc xây dựng bãi đỗ xe không phải là việc phát huy giá trị di sản, và vị trí hiện nay là không phù hợp vì nằm trong khu vực di tích, vả lại nếu sau này du lịch phát triển, lượng xe tăng gấp vài lần thì bãi xe này cũng không đủ sức chứa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?


Bãi đỗ xe tại điểm tham quan du lịch là một trong các hạng mục thuộc hạ tầng thiết yếu (đường đi đến, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, cung cấp điện, nước, hệ thống phòng chống hỏa hoạn, cháy nổ…) nên cần phải được quy hoạch và xây dựng một cách bài bản, phù hợp với khu di sản. Không có phần hạ tầng thiết yếu này thì sẽ rất khó khai thác, phát huy giá trị khu di tích.


Qua thực tế quản lý và phục vụ khách tham quan di tích lăng vua Khải Định trong nhiều năm qua, trung bình mỗi tour du khách tham quan khu lăng này chỉ từ 45 phút đến 60 phút thì qui mô đầu tư xây dựng bãi đỗ xe như hiện nay đảm bảo phục vụ tốt khách tham quan khi lượng khách tăng gấp 2,5 đến 3,0 lần so với thời điểm hiện tại (có thể phục vụ từ 350 - 400 xe/ngày). Điều đó có nghĩa là việc xây dựng bãi xe này đã tính đến tương lai lâu dài khi lượng khách đến thăm di tích tăng gấp vài lần.


Việc lựa chọn vị trí để xây dựng bãi đỗ xe cho khu di tích lăng vua Khải Định đã được Trung tâm nghiên cứu kỹ, có tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu phong thủy Vĩnh Cao (thành viên Hội đồng khoa học nghệ thuật của Trung tâm, thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Huế), và đã được đưa vào quy hoạch tại Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020 và Kế hoạch Quản lý quần thể Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vào các năm 2012, 2015. Đây là vị trí phù hợp nhất, nằm trong khu vực II di tích nhưng ít ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan lăng vua Khải Định, việc xây dựng bãi đỗ xe tại đây cũng phù hợp với Luật Di sản văn hóa- cho phép xây dựng các công trình hạ tầng, dịch vụ nhằm phát huy giá trị văn hóa trong khu vực II di tích.


Liệu có vấn đề lợi ích nhóm chi phối ở đây như ý kiến của ông Xuân? Và việc xây dựng bãi đỗ xe tại đây sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đến phong thủy của lăng Khải Định?


Như đã nói trên, việc xây dựng bãi đỗ xe là một nhu cầu thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, phát huy giá trị di sản, nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, phục vụ mục tiêu phát triển nhưng vẫn đảm bảo bảo tồn di sản một cách bền vững. Chi phí xây dựng bãi đỗ xe này lấy từ nguồn đầu tư của ngân sách nhà nước.


Tôi khẳng định đây là một dự án được thực hiện rất bài bản, tuân thủ các quy định của nhà nước, công khai minh bạch

Ông Phan Thanh Hải

Nhưng toàn bộ các dịch vụ thuộc bãi xe đều được xã hội hóa, người dân địa phương hoàn toàn có thể tham gia vào các hoạt động dịch vụ (trông giữ xe, bán nước giải khát, bán sách vở, băng đĩa, văn hóa phẩm, các mặt hàng lưu niệm…) thông qua hình thức đấu thầu công khai minh bạch. Toàn bộ nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ đều được nộp vào ngân sách nhà nước. Không có chuyện lợi ích cho cá nhân hay nhóm người nào ở đây cả!


Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan tại lăng vua Khải Định được tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định và được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó đã có giải pháp bảo vệ nguyên trạng các yếu tố liên quan đến di tích và môi trường cảnh quan khu lăng như khe Châu Ê hay chiếc giếng cổ (vốn được đào để cung cấp nước sinh hoạt cho binh lính thợ thuyền xây lăng) và đồng bộ với giải pháp tôn tạo bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh khu vực này về lâu dài.


Tôi khẳng định rằng, dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng vua Khải Định được tiến hành theo đúng các quy định của nhà nước qua phương thức đấu thầu công khai. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Phú Nguyên. Thời điểm khởi công công trình vào tháng 5/2017, đơn vị thi công có dựng bản vẽ phối cảnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình nhưng còn thiếu một số thông tin theo qui định, Trung tâm đã tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉ đạo đơn vị bổ sung đầy đủ.


Ông Xuân có đề xuất một khu đất khác mà ông ấy cho là phù hợp hơn: khu ruộng của làng Châu Chữ gần đó, tại sao Trung tâm lại không chọn khu đất này?


Về vị trí cánh đồng trồng lúa của làng Châu Chữ mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị xây dựng bãi đỗ xe thì theo chúng tôi là không phù hợp. Lí do là khu vực này là khu vực đất nông nghiệp, chưa phù hợp để chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa nằm trong quy hoạch chung của tỉnh, chưa kể nó vẫn thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích của lăng vua Khải Định và sát khu dân cư.


Mặt khác, nếu xây dựng bãi xe ở đây để tạo điều kiện cho việc “đô thị hóa” khu vực này như ý kiến của ông Nguyễn Đắc Xuân thì sẽ xảy ra nguy cơ không kiểm soát được việc xây dựng tự phát, tạo áp lực lớn đối với di tích lăng vua Khải Định, tác động xấu đến cảnh quan chung bao quanh khu lăng.


Còn khu đất hiện đang được xây dựng bãi đỗ xe nguyên là một khu đất trũng và trống trãi, không có cây cổ thụ, đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, là nơi phù hợp để xây dựng bãi đỗ xe xanh, phù hợp với cảnh quan môi trường tổng thể khu lăng Vua Khải Định. Diện tích bãi đỗ xe là 4.975m2 (trong đó cây xanh, thảm cỏ đã chiếm 30%), chỉ chiếm 1,33% khu vực bảo vệ II của khu lăng (37,5ha) và chỉ bằng 0,8% so với tổng khu vực khoanh vùng bảo vệ lăng Vua Khải Định (55,5ha).


Sau khi xây dựng xong sẽ đảm bảo hài hòa với cảnh quan chung, và điều quan trọng nhất là giải quyết được vấn nạn về bãi đỗ xe đã xảy ra trong mấy chục năm qua (đặt ngay trước tiền án khu lăng), sắp xếp lại hệ thống hàng quán nhếch nhác trước mặt lăng, tạo cơ hội để tôn tạo tổng thể cảnh quan của khu vực tiền án.


Cũng xin nói thêm rằng, chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của cảnh quan môi trường xung quanh khu vực lăng vua Khải Định. Trong chiến tranh, cảnh quan khu vực này bị tàn phá hoàn toàn, núi non trọc trơ không cây cối. Sau chiến tranh chúng ta đã mất mấy chục năm để trồng rừng và phục hồi cảnh quan tổng thể khu vực, và đến nay có thể nói cảnh quan chung của khu lăng rất xanh, rất đẹp, trừ khu vực bãi đỗ xe tạm thời nằm ngay trước mặt khu tiền án của Lăng.


Vì vậy, việc xây dựng một bãi đỗ xe xanh trên vị trí mới, tránh khỏi khu vực tiền án sẽ đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu: tạo điều kiện để tôn tạo, xanh hóa khu vực tiền án khu lăng và sắp xếp khu vực bãi đỗ xe một cách phù hợp, vừa quản lý chặt, vừa tạo điều kiện cho du lịch phát triển một cách bền vững.


Hiện nay, cùng với việc xây dựng bãi đỗ xe, chúng tôi cũng đồng thời cho trồng cây xanh với số lượng lớn bên trong và bao quanh khu vực này. Trong tương lai gần, đây sẽ là một điểm xanh mới, bổ sung cho cảnh quan tổng thể lăng vua Khải Định.


Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Thu Phong (tamnhin)
Chùa Keo đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Chùa Keo đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tối 29/10, tại Khu di tích lịch sử Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, UBND huyện Vũ Thư đã tổ chức khai mạc lễ hội chùa Keo và đón nhận bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN