Trường Lũy - dấu tích gắn với con đường Thiên Lý

Ngày 9/3/2011, Bộ VH, TT & DL có văn bản công nhận di tích Trường Lũy (Quảng Ngãi) là di tích lịch sử cấp quốc gia. Và ngày 8/5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cho Trường Lũy. Vậy là từ đây, trong danh mục các di sản văn hóa của Quảng Ngãi đã có thêm một di sản chứa đựng trong đó nhiều giá trị to lớn, không chỉ về mặt quân sự mà còn cả về kinh tế, văn hóa...

Từ năm 2005, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu về Trường Lũy. Những kết quả thu được sau 5 năm đã chỉ ra rằng, Trường Lũy không những là công trình quân sự mà còn là điểm giao lưu văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư thời bấy giờ.

Theo sử sách, công trình có một không hai này được xây vào khoảng đầu thế kỷ 19 dưới thời vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Tuy nhiên theo các tài liệu khảo cổ học mới nhất nó được hình thành từ nửa cuối thế kỷ 17. Với chiều dài gần 200 km, Trường Lũy được các nhà nghiên cứu đánh giá là công trình trường lũy dài nhất Đông Nam Á và có thể đứng thứ 2 châu Á, sau Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia Trường Lũy, Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Long-TTXVN


Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Trường Lũy là một công trình kiến trúc lớn, đa dạng và rất đặc biệt, nằm dọc tỉnh Quảng Ngãi theo dãy Trường Sơn, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) qua địa phận các huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định). Trải qua nhiều địa hình khác nhau, nên việc xây dựng nó cũng rất đa dạng. Nhiều phần của Trường Lũy được làm bằng đá, nhiều phần khác được làm bằng đất và có những đoạn làm bằng đất lẫn đá. Kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa khiến cho Trường Lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt. Ở nhiều nơi, lũy cao tới 4 m, chân lũy rộng 6 m, mặt trên rộng 2,5 m. Một đặc điểm khá đặc biệt nữa là trong quá trình khai quật và khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được nhiều công trình liên quan, đó là dấu tích của hơn 50 bảo (đồn binh) dọc theo lũy. Chúng được xây dựng bằng đá và đất, một số còn khá nguyên vẹn. Đa số các bảo đóng ở những vị trí quan trọng, nơi có các dòng sông lớn chảy qua như Thiên Xuân - Hành Tín Đông - bảo ở đây có quy mô lớn, xây bằng đá rất kiên cố, nằm tách biệt khỏi lũy, nó đóng vai trò là một cứ điểm lớn bao quát cả Hành Tín Đông và Hành Tín Tây.

Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích một con đường cổ chạy theo lũy. Đây là một phần của con đường Thiên Lý nối kinh đô Thăng Long với các tỉnh phía Nam. Sự phát hiện mới này đã chỉ ra rằng, lũy không phải chỉ là công trình của người Việt xây dựng mà nó là công trình của hai cộng đồng người Việt và Hrê cùng tham gia xây dựng. Theo tiến sĩ Andrew Hady - Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, qua những kết quả khai quật cho thấy Trường Lũy không phải là một công trình do người Việt xây dựng mà có sự tham gia của người Hrê. Đây là một minh chứng về mối quan hệ giữa người Việt và người Hrê, và đây cũng được xem là một phát hiện khá độc đáo, bởi trên thế giới chưa có một công trình nào có được sự phối hợp giữa hai cộng đồng. Việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hrê đã chứng minh điều này và quá trình trao đổi kỹ thuật này được các nhà nghiên cứu đánh giá chính là yếu tố tạo nên điểm đặc biệt nhất của di tích Trường Lũy. Hiện nay, vết tích đường Thiên Lý vẫn còn ở Phổ Châu (huyện Đức Phổ); Ba Động, Ba Thành, Ba Khâm (huyện Ba Tơ) và Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa). Điều này không loại trừ khả năng, đường Thiên Lý được xây là để bảo vệ con đường huyết mạch Bắc-Nam, đảm bảo cho việc đi lại, giao thương trên toàn lãnh thổ, bởi nếu con đường này bị chia cắt, an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều đồ gốm có xuất xứ từ Chu Đậu (tỉnh Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội) niên đại thế kỷ 17 – 18, rồi những mảnh gốm men, sứ Trung Hoa thời Thanh, gốm nung, sành của miền Trung... Những nhà nghiên cứu nhận định, đây là những sản phẩm gốm có được qua sự giao lưu thương mại, điều này chứng tỏ, đã có sự buôn bán, trao đổi qua lũy vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 18... Tất cả dấu tích này đã đưa đến một nhận định, Trường Lũy không phải chỉ xây dựng từ thế kỷ 19 mà đã được xây dựng từ thế kỷ 17.

Có thể nói, Trường Lũy Quảng Ngãi-Bình Định là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, là công sức của người lao động và mối quan hệ giữa các vùng miền, dân tộc, nên không chỉ có ý nghĩa quân sự, mà nó còn mang ý nghĩa hòa bình, ý nghĩa kinh tế, giao thương giữa các vùng... Vì vậy, đây được xem là công trình không chỉ của người Quảng Ngãi hay Bình Định mà còn là di sản của quốc gia, của nhân loại.

PV

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN