Đồi Tức Dụp nằm dựa lưng vào núi Cô Tô (thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồi Tức Dụp được xem là thành lũy vững chắc của cách mạng. Ngọn đồi thiêng đã "chở che" các chiến sĩ cách mạng kiên trung, các cơ quan làm việc của Tỉnh ủy An Giang và huyện Tri Tôn cho đến ngày đất nước thống nhất. Nơi đây cũng đã diễn ra trận chiến 128 ngày đêm (18/11/1968- 25/3/1969) của quân và dân Tri Tôn, An Giang trong kháng chiến.
Khu di tích đồi Tức Dụp có hệ thống hang động rất độc đáo với những khối đá đan xen đủ kiểu cùng với hàng trăm ngõ ngách kỳ vĩ. Đồi Tức Dụp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử kháng chiến cấp quốc gia.
Thời gian qua, đồi Tức Dụp đã từng được UBND tỉnh An Giang giao cho nhiều đơn vị triển khai tu bổ và khai thác du lịch nhưng không thành công. Nhiều di vật, chứng tích chiến tranh rất đặc biệt tại khu đồi theo thời gian bị mai một và có nguy cơ trở thành phế tích. Thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành Du lịch, cuối năm 2016, Tập đoàn Sao Mai An Giang được giao là chủ đầu tư Dự án mở rộng Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp. Từ khi được đưa vào khai thác, Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp mỗi năm đón hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai An Giang cho biết: Với quyết tâm đưa Di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Tức Dụp trở thành một điểm du lịch lịch sử, tâm linh nổi tiếng, Tập đoàn đầu tư hơn 200 tỷ đồng để mở rộng và trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng tại khu di tích. Theo đó, các hạng mục quan trọng tại Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp sẽ được mở rộng, trùng tu như: Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, hang Ban Chỉ huy quân sự, hang Ban Tuyên huấn… trên cơ sở bảo tồn di sản, không phá vỡ cấu trúc tự nhiên của ngọn đồi.
Dự kiến, sau khi được xây dựng, tôn tạo, Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp sẽ là điểm du lịch lịch sử, tâm linh nổi tiếng của tỉnh, góp phần đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.