Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hán Văn Khẩn: Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi trong các di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4500 năm. Dọi xe chỉ tìm thấy khá phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Nó được làm bằng đất sét tương đối mịn, thô… dọi xe sợi có đường kính trung bình 0,6 đến 2 cm…
Điều này cho thấy nghề dệt vải đã phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên, cư dân văn hóa này ít nhất có hai loại vải mặc, đó là vải vỏ cây và vải dệt từ sợi. Tại một số mộ táng thời Hùng Vương ở Lâm Thao (Phú Thọ) thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun cách nay 3000 năm thấy rõ vết vải liệm trên hài cốt. Các mộ Châu Can (Hà Tây cũ), mộ Việt Khê (Hải Phòng) thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay 2800 năm đến thế kỉ II trước Công nguyên, đều có vải liệm. Trên trống đồng Đông Sơn loại I cách nay 2800 năm có khắc hình vũ công mặc áo dài nhảy múa. Trong năm 2005, 2 nhà khảo cổ học của nước ta là Tiến sĩ Nguyễn Việt và Bùi Văn Liêm hợp tác với hai nhà khảo cổ học người Australia khai quật ngôi mộ ở Đông Xá (Hưng Yên) có niên đại 2100 năm. Trong ngôi mộ tìm thấy một tấm vải liệm còn nguyên vẹn, bên trong còn bọc vài lớp vải nữa… Họ kết luận: Dữ liệu vải sợi ở Đông Xá góp phần khẳng định rằng nghề dệt vải đã phát triển trong thời đại kim khí ở Bắc Việt Nam (tức thời Hùng Vương.
Còn trong sách Lịch sử Vĩnh Phú, ty Văn hóa Vĩnh Phú xuất bản năm 1980, viết: “Ở các di chỉ khảo cổ tìm thấy nhiều dọi xe sợi bằng đất nung. Tại một số ngôi mộ táng ở Tứ Xã thấy có vải in lên hài cốt. Các hình khắc trên trống đồng cùng tượng đồng cho ta thấy thời đó mặc áo chui đầu cài khuy bên trái. Về cuối thời Hùng Vương tầng lớp trên may mặc khá xa hoa.
Với các bằng chứng khoa học như vậy, ba bốn nghìn năm trước xứ ta đã là quê hương của bông gai tơ tằm vải lụa, nên việc vua quan, triều thần đóng khố đi ra ngoài hoặc triều hội là không đúng. Bên cạnh những thông tin về vải vóc, ta còn thấy người thời Hùng Vương rất yêu thẩm mỹ. Trên bề mặt đồ gốm có tới 35 mẫu hoa văn đẹp; các loại vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi đeo cổ làm bằng đá ngọc rất tinh xảo. Đồ đồng, mà trống đồng Đông Sơn loại I ngày nay tuy đã sao đúc được nhưng chưa thể bằng nguyên bản. Một cư dân như vậy dứt khoát rất hiếm có ai dùng khố làm trang phục chính.
Kim Biên