Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả khá quan trọng về phát triển văn học, nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh luôn được Thành phố quan tâm lãnh đạo. Có thể thấy, đã có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian được ngành văn hoá Thành phố đưa vào trình diễn, giới thiệu và quảng bá trong các hệ thống trường học, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, sinh viên; tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở các vùng biên giới, hải đảo và kiều bào ở nước ngoài nhằm nâng cao nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường đại đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh đó, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo ông Dương Anh Đức, mặc dù ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực để phát triển nhưng văn hóa, văn học, nghệ thuật vẫn chưa phát huy đúng tầm và chưa được quan tâm đúng mực. Thực tế, một số lãnh đạo địa phương chưa dành chính sách, ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật... Vì vậy, dù có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật "ra đời" nhưng ít tác phẩm mang tính tầm cỡ và giá trị cao.
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, để phát triển ngành văn hóa, nghệ thuật, sắp tới, Thành phố cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị về vai trò của văn học, nghệ thuật trong từng đơn vị, ban ngành và đời sống; nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý trong việc thẩm định, đánh giá, công bố, biểu diễn, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cần tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh phí để xây dựng nền văn học, nghệ thuật phát triển ngang tầm với vị trí là một trung tâm của khu vực và cả nước; đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật để bổ sung nguồn giáo viên, giảng viên chất lượng cao cho Thành phố.