Tìm hướng phát triển cho rối dân gian

18 đơn vị thuộc các phường rối dân gian trên cả nước sẽ tham dự Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc năm 2011, diễn ra tại Hải Dương từ 13 - 18/6/2011. Liên hoan do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH, TT & DL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Sở VH, TT&DL Hải Dương, Liên chi hội Múa rối UNIMA phối hợp tổ chức, với mong muốn có một cái nhìn toàn cảnh về đời sống hoạt động của các phường rối, từ đó tìm ra những giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối dân gian. Ông Nguyễn Đăng Chương (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã trao đổi với PV báo Tin Tức về vấn đề này.

Thưa ông, cơ chế thị trường khắc nghiệt đã khiến các phường rối dân gian lâm vào tình cảnh khó khăn. Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến Nhà nước quan tâm và tổ chức cuộc liên hoan lần này?

Đúng vậy. Các phường rối dân gian lâu nay hầu hết hoạt động mang tính tự phát. Các nghệ nhân rối dân gian chủ yếu sống bằng nghề nông, vì yêu nghề của cha ông truyền lại mà khôi phục các trò rối. Đây là lần đầu tiên liên hoan được tổ chức, là dịp để các nghệ nhân toàn quốc giới thiệu những giá trị độc đáo của nghệ thuật múa rối dân gian của phường rối địa phương mình, cũng là dịp để các nghệ nhân gìn giữ và phát huy các giá trị của nghệ thuật múa rối. Qua liên hoan này, chúng tôi mong muốn các cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương tới địa phương sẽ hiểu và quan tâm đến hoạt động và đời sống của nghệ nhân ở các phường rối, từ đó có định hướng bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối dân gian, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả trong thời kỳ hội nhập.

Một tiết mục của phường rối Hải Dương.


Theo đánh giá của ông, rối dân gian liệu có thu hút được khán giả trong cơ chế thị trường hay không?

Múa rối, đặc biệt là rối nước, thực sự là loại hình sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của Việt Nam. Bộ VH, TT&DL đã và đang đề nghị UNESCO công nhận múa rối nước là di sản văn hóa phi vật thể, điều đó sẽ khẳng định vị trí của múa rối nước VN trên trường quốc tế. Ngay tại thủ đô Hà Nội, việc các nhà hát múa rối thường xuyên sáng đèn, cho thấy rối nước nói riêng và rối dân gian của VN nói chung, đã và đang có vị trí nhất định trong đời sống. Chỉ có điều, đa số các phường rối dân gian vẫn chưa tìm được cách tiếp cận với khán giả. Cũng có một vài phường rối như Nam Định, Hải Dương, Hà Nội đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân trẻ, lập website, tiếp cận các công ty lữ hành du lịch, tổ chức biểu diễn khá bài bản... Từ tháng 3/2006, với sự hỗ trợ của Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam, Quỹ Ford và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, 15 phường rối dân gian đã hội tụ về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, luân phiên biểu diễn cho công chúng xem. Đây cũng là cách để khán giả Việt Nam và khách du nước ngoài có thể tiếp cận thường xuyên với loại hình văn hóa dân tộc này.

Hiện nay, rất nhiều phường rối dân gian không giữ được người trẻ tham gia biểu diễn, bởi rất ít nghệ nhân sống được bằng nghề...

Năm 2002, cùng với việc hỗ trợ các phường rối xây dựng thủy đình, bộ quân trò, Quỹ Ford còn tài trợ các phường rối nước đào tạo được lớp nghệ nhân biểu diễn rối (tuổi đời từ 15 - 25) để thay thế cho các nghệ nhân cao tuổi. Nhưng đến nay, do gánh nặng của cuộc sống, nhiều nghệ nhân trẻ được đào tạo đã không còn biểu diễn nữa. Các nghệ nhân trẻ hiện nay chủ yếu do địa phương hoặc do các phường rối tự đào tạo để trẻ hóa đội ngũ diễn viên của mình. Tuy nhiên, tại liên hoan này, số lượng diễn viên trẻ tham gia khá đông. Việc tổ chức liên hoan múa rối dân gian lần này là một trong những hoạt động khởi đầu của “Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống” mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đang xây dựng, đề xuất lên Chính phủ phê duyệt, nhằm tìm kiếm những tài năng của nghệ thuật dân gian, từ đó có những chính sách hỗ trợ những tài năng này giúp các phường rối dân gian củng cố lại đội ngũ nghệ nhân. Qua đó để định ra những kế hoạch có tính chiến lược dài hơi như đào tạo kiến thức cho các nghệ nhân rối, giúp các phường rối xây dựng các chương trình độc đáo để thu hút khán giả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tiêu Dao (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN