Tìm hướng để phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), cả nước có hơn 130 nhà hát, đoàn nghệ thuật của Trung ương và địa phương. Một thời gian dài rất nhiều nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc bộ và các sở VH,TT&DL địa phương được tài trợ 100% cho các hoạt động. Trong môi trường như vậy, nguồn thu từ bán vé chưa phải là sự “sống còn” của các nhà hát, đoàn nghệ thuật. Bởi vậy, các nhà hát vẫn chưa quan tâm đầy đủ đến việc khán giả của họ là ai, cũng như việc quảng bá cho sản phẩm nghệ thuật của mình. Hầu hết các chương trình nghệ thuật, vở diễn mới của các nhà hát tuồng, chèo, cải lương… không thu hút được khán giả trên địa bàn các địa phương, ngay cả Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến tình trạng các đoàn phải thường xuyên lưu diễn ngoại tỉnh.

Vở diễn “Trương đồ nhục” của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Trong vòng một thập kỷ trở lại đây khi nguồn tài trợ của các cơ quan trung ương và địa phương bị giảm sút, thậm chí bị cắt bỏ hoàn toàn, nhiều nhà hát mới bắt đầu xây dựng các chiến lược đầu tư để tăng số lượng khán giả, xác định nhu cầu thưởng thức của các nhóm công chúng để hướng tới. Tuy nhiên, hoạt động tiếp thị trong nghệ thuật biểu diễn chỉ bắt đầu được tìm hiểu, ứng dụng và thực hiện trong nhiều nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc phụ trách biểu diễn và đối ngoại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam (trực thuộc Bộ VH,TT&DL) cho biết, hiện 80% nhà hát, đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác thông tin quảng cáo các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Bởi vậy, đã xảy ra tình trạng có những chương trình nghệ thuật rất hay mà vẫn không bán được vé, vì đông đảo khán giả thiếu những thông tin về vở diễn. Chỉ có khoảng 20% các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam sử dụng có hiệu quả khâu thông tin quảng cáo cho chương trình biểu diễn trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh, các phương tiện thông tin đại chúng bằng băng rôn, tờ rơi, áp phích. Cũng rất ít các nhà hát ở Việt Nam (thậm chí đếm trên đầu ngón tay) biết thiết lập những quan hệ thông tin một cách có hiệu quả với báo chí, xúc tiến giới thiệu chương trình biểu diễn nghệ thuật, tiếp cận với đông đảo công chúng qua những hệ thống liên lạc phổ biến như: điện thoại, website, trang mạng…

NSND Lê Ngọc Cường chia sẻ, đã đến lúc những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung phải thay đổi cách suy nghĩ cố hữu, phải coi lĩnh vực nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, là ngành nghề phi sản xuất… Đẩy mạnh các hoạt động thu hút khán giả bằng những cách thức mới. Có như vậy các loại hình nghệ thuật biểu diễn mới tự chủ được nguồn thu để đứng vững và phát triển.

Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN