Thực hành Then - nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chú thích ảnh
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hầu như huyện nào (kể cả thành phố Tuyên Quang) cũng có hát Then, nhưng vùng hát Then đậm đặc, được duy trì, bảo tồn nguyên giá trị chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình. Ảnh: TTXVN

Then là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái miền núi phía Bắc Việt Nam. Đây cũng là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, hướng tới những điều bình an, tốt đẹp.  

Nghi lễ văn hóa của người Tày, Nùng, Thái

Theo Cục Di sản văn hóa Việt Nam, Then là thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (là các Ông Then, Bà Then) đi từ Mường Đất lên Mường Trời, dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho người dân trong đời sống, sản xuất, sức khỏe...

Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích mà Thầy Then sẽ bày mâm lễ và đọc lời khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: Kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà Thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục vừa hát tiếng dân tộc mình, vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.

Thực hành Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ, các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao kỹ năng, bí quyết liên quan, một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm.

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và một số địa phương khác ở nước ta. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

Di sản Then của 11 tỉnh đã lần lượt được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) duy trì và cập nhật danh mục kiểm kê. Các địa phương có di sản Thực hành Then phối hợp với đại diện cộng đồng và các nghệ nhân liên quan cập nhật danh mục kiểm kê.

Loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Mã Văn Trực (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) biểu diễn làn điệu hát Then. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cho biết, đến nay, nguồn gốc của Then vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, căn cứ vào dấu vết của Then, có thể thấy đây là loại hình thực hành tín ngưỡng đã có từ lâu đời. Trong quan niệm dân gian, "Then" có nghĩa là "Thiên", tức là “Trời”, vì thế "Then" được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.

Theo các nghệ nhân và của một số nhà nghiên cứu văn hóa, xuất xứ nguồn gốc của Then là từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như Bụt, Giàng, Trời mà chỉ có bà Then, ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Do đó, người hát Then trong những dịp lễ, Tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, Then chứa đựng những tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy. Trong đời sống văn hóa cộng đồng đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Thái, hát Then không chỉ là khúc hát đầu Xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm.

Về mặt nghệ thuật dân gian, Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Trong một cuộc hát Then, âm nhạc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt khi trình diễn. Các ông Then, bà Then thông qua lời ca, tiếng hát, những làn điệu Then từ cây đàn tính để gửi gắm những ước nguyện của người dân đến thần linh.  

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, hát Then là loại hình nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng Then, quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ Then. Khi làm Then, tiếng đàn tính, lời ca của thầy Then và xóc nhạc là ngôn ngữ đồng hành cùng khói hương. Cùng với việc thực hành nghi lễ, các thầy Then đã kể những câu chuyện Then, phản ánh mọi mặt từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ lịch sử đến các tập tục sinh hoạt của đồng bào các dân tộc.

Người trình diễn hát then theo hình thức diễn xướng tổng hợp vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát. Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt rũa, vừa là câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...

Ở mỗi địa phương, mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có một số loại hình thể hiện với những chức năng chính sau: Then kỳ yên (cầu an), cầu hoa, cầu may, Then cầu mùa, Then chúc tụng ca ngợi, Then cấp sắc (Lẩu Then), Then tống tiễn... Những làn điệu Then khi thủ thỉ, gần gũi, lúc sôi động, dồn dập, lúc trầm buồn, ngẫm ngợi, lúc hồ hởi, vui tươi… đã tạo sức truyền cảm lớn cho cộng đồng tham dự nghi lễ Then.  

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, Then là một kho tàng quý báu, chứa đựng trong đó những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Có thể thấy, trong Then không chỉ có các thể thơ dân tộc, mà còn có các biện pháp thi pháp, tu từ, ẩn dụ... của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát then không biết bao năm tháng… Nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh bằng hát Then (mà thực tế ngày nay cũng không còn mấy ai tin), Then là một không gian văn hóa dân tộc, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, mô tả, gửi gắm nhắn nhủ tâm sự trong cuộc sống của ông cha...

Có thể nói, Then là sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thế hệ và đã trở thành sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thậm chí một thời gian dài Then bị cấm thực hành bởi quan niệm đây là hoạt động mê tín dị đoan, song các nghi lễ gắn với Then vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống của đồng bào, đồng thời cũng là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phương Lan (TTXVN)
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái

Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN