Thu hơn 111 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc năm 2018

Năm 2018, Trung tâm Bảo về quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu được hơn 111 tỷ đồng (chưa khấu trừ VAT) tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 25% so với năm 2017.

Trung tâm đã tiến hành phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả gần 57 tỷ đồng; đang khẩn trương nhập liệu cho kỳ phân phối quý IV/2018. Dự kiến số tiền 27 tỷ đồng của kỳ phân phối này sẽ được chi trả vào cuối tháng 1/2019.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tổ chức ngày 25/1, tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chúc mừng những thành công của tập thể cán bộ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh: Bảo vệ tác quyền âm nhạc là cuộc đấu tranh lâu dài, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam là một trong những đơn vị đã góp phần tích cực trong hoạt động bảo vệ tác quyền âm nhạc tại Việt Nam.

Hy vọng năm tới, hoạt động này có thêm những bước tiến đáng ghi nhận; mối quan hệ giữa Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam ngày càng gắn kết để quyền lợi hợp pháp của các tác giả âm nhạc tiếp tục được đảm bảo.

Theo nhạc sĩ Hoàng Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Trung tâm: Năm 2019, Trung tâm đặt trọng tâm hoạt động vào công tác cấp phép, mở rộng địa bàn; tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các tỉnh thành, quận huyện; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên.

Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; rà soát, hệ thống lại các văn bản quản lý nội bộ, các quy chế, quy trình công việc nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp với các quy định của pháp luật và Điều lệ hoạt động.

Website mới của Trung tâm cũng sẽ được hoàn tất nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, thuận lợi trong việc kết nối tác giả thành viên cũng như tạo điều kiện để người sử dụng âm nhạc có thêm thông tin và tra cứu…

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Trung tâm rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc đề nghị các cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc bao gồm các cơ sở lưu trú phải xin phép, thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.

Các đơn vị liên quan hỗ trợ Trung tâm trong việc có ý kiến với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm bảo đảm quyền lợi của tác giả; việc phối hợp triển khai hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến quyền tác giả âm nhạc.

Người đứng đầu Trung tâm Bảo về quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ thêm, thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền tác giả đang diễn ra tràn lan trong suốt thời gian qua ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, điển hình là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. Hàng trăm chương trình biểu diễn đã né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ước Berne.

Trung tâm Bảo về quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam hiện có gần 4.000 thành viên là tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Đến nay, Trung tâm đã ký hợp tác song phương với 73 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế.

Đặc biệt, trong ăm 2018, Trung tâm đã đăng cai tổ chức hội thảo của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế tại Hà Nội chuyên đề “Cấp phép quyền biểu diễn cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả khu vực châu Á - Thái Bình Dương” với 12 nước thành viên Hiệp hội tham dự; thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền tác giả tại các tỉnh, thành trên cả nước

Năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, Trung tâm đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi quyền tác giả âm nhạc. Cụ thể là: Vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức, nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền.

Một số tác giả vẫn chưa chú trọng đúng mức việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm do mình sáng tác. Chính sách pháp luật, trong đó có quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP và một số đơn vị sử dụng âm nhạc (Công ty Cổ phần Sky Music, Công ty Vigo Online JSC/Express Melody Việt Nam…) cũng gây khó khăn không nhỏ tới hoạt động của Trung tâm.

Dịp này, Trung tâm Bảo vệ bản quyền Âm nhạc Việt Nam cũng công bố xây dựng giao diện mới cho Website của Trung tâm tại địa chỉ vcpmc.org. Webside với giao diện mới này sẽ chính thức hoạt động từ tháng 2/2019.

Mỹ Bình (TTXVN)
Gỡ 'nút thắt' trong bảo hộ tác quyền âm nhạc
Gỡ 'nút thắt' trong bảo hộ tác quyền âm nhạc

Những năm gần đây, vi phạm bản quyền âm nhạc luôn là một vấn đề làm “nóng” dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN