Thiết kế Việt Nam đi tìm chỗ đứng - Bài 1: Văn hóa truyền thống tạo ra sự khác biệt

Ngày nay, thiết kế (design) không đơn thuần là khâu làm đẹp sản phẩm, thay đổi giá trị sản phẩm, mà còn là giải pháp cho các vấn đề văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, nhiều quốc gia đã có chính sách phát triển ngành thiết kế, trong khi ở Việt Nam, lĩnh vực này chưa được đánh giá đúng mức.

Tự phát, đơn lẻ theo từng công việc

Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực thiết kế, trong các yếu tố của chiến lược cạnh tranh sản phẩm, các doanh nghiệp nên đầu tư vào thiết kế để đem lại giá trị lớn nhất. Hơn nữa, khi thúc đẩy ngành thiết kế, chúng ta có thể bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Loại hình thiết kế được ứng dụng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam gồm: Nghệ thuật trang trí (trang trí sân khấu, điện ảnh, kiến trúc...), nghệ thuật ứng dụng (đồ gốm, thủy tinh, đồ mỹ nghệ kim loại, đồ chơi trẻ em), thiết kế trong tạo dáng công nghiệp, nghệ thuật công cộng. Tuy nhiên, lĩnh vực thiết kế ở Việt Nam hiện mang tính tự phát, đơn lẻ theo từng công việc, thiếu sự liên kết các khâu thiết kế - sản xuất, thiếu tính hệ thống. Vai trò của thiết kế chưa được đánh giá đúng mức.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Trọng Nguyên. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Lý giải cho sự yếu kém này, ông Hồ Trọng Minh, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, phân tích: Đội ngũ nhân lực thiết kế còn nặng về tư duy kế hoạch hóa, làm theo cái có sẵn mà chưa chủ động sáng tạo cái mới, khả năng ứng dụng các thành quả của thiết kế công nghiệp vào sản xuất còn hạn chế, chưa chú trọng đầu tư vào nghiên cứu thiết kế. Có thể nhìn thấy điều này qua các hoạt động thiết kế tạo mẫu sản phẩm ở các ngành như điện, cơ khí gia dụng, sản xuất đồ gồm sứ, hoạt động thiết kế quảng cáo... Bên cạnh đó, nhà hoạch định chính sách của các doanh nghiệp (kể cả Nhà nước lẫn tư nhân) chưa hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược marketing… nên chưa đầu tư đúng mức vào nghiên cứu thiết kế. Điều này đã đẩy đội ngũ thiết kế vào chỗ tương đối bế tắc và dẫn tới tình trạng thừa về nhân lực thiết kế, nhưng lại thiếu chuyên gia thiết kế chuyên nghiệp.

Ứng dụng văn hóa truyền thống

“Việc đề cao truyền thống văn hóa và coi đó như một tiêu chí đánh giá thành công của thiết kế hiện đại đã thực sự trở thành điểm tựa cho các nhà thiết kế”, ông Ngô Anh Cơ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội nhận xét.

Theo ông Ngô Anh Cơ, những thập niên trước, ở Việt Nam, việc đưa giá trị truyền thống văn hóa ứng dụng trong thiết kế hiện đại chưa phát huy được hiệu quả, nhiều khi mới chỉ dừng lại ở môtíp văn hóa mang tính hình thức tạo cảm giác khô cứng, bảo thủ. Việc đề cao thái quá những giá trị truyền thống văn hóa đôi khi cũng hạn chế khả năng hội nhập, mất đi tính quốc tế của sản phẩm thiết kế. Nhưng gần đây, nhược điểm này đã được khắc phục, dù vẫn còn hạn chế. Nhà thiết kế thuộc các lĩnh vực như thiết kế thời trang hay thiết kế nội thất đã tìm thấy trong truyền thống văn hóa cảm hứng sáng tạo, sự chia sẻ và động lực phát triển những thiết kế ứng dụng hiện đại phục vụ đời sống; vận dụng hiệu quả truyền thống văn hóa để nâng cao giá trị vật chất và tinh thần cho sản phẩm. Vận dụng linh hoạt giá trị truyền thống văn hóa với cái nhìn đa chiều và sâu hơn là khai thác tính ẩn dụ của nó đã trở thành giải pháp hữu hiệu cho những nhà thiết kế hiện đại mong muốn truyền tải nhiều hơn những thông tin - yếu tố sống còn của thiết kế hiện đại, đặc biệt trong thiết kế truyền thống. Những thông tin này cũng góp phần nâng cao nhận thức và thẩm mỹ của người tiêu dùng... “Sự kế thừa truyền thống văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh lớn cho những thiết kế hiện đại, khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa”, ông Cơ nhấn mạnh.

Xuân Cường

Bài cuối: Đào tạo nhân lực - Chìa khóa thúc đẩy năng lực thiết kế

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN