Dù đã có 801 tác phẩm đồ sộ được phát hiện, sưu tầm, hàng chục bộ sử thi được xuất bản, nhưng sử thi của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một ngay trên quê hương của mình...
Di sản khổng lồ
Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được thực hiện trong thời gian từ năm 2001 - 2008 đã sưu tầm được 801 tác phẩm với 5.679 băng ghi âm (90 phút/băng). Sự “bội thu” này đã làm bất ngờ hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước và vượt xa so với chỉ tiêu ban đầu là sưu tầm khoảng 200 tác phẩm văn nghệ dân gian nói chung, chứ không riêng gì sử thi.
Nghệ nhân Đinh Jram (ảnh), 70 tuổi, người dân tộc Ba Na, ở làng K’Giang, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai), là một trong số ít các nghệ nhân còn biết kể Hơmon(sử thi) qua lời hát. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Đặc biệt, đã có ít nhất 3 bộ sử thi liên hoàn (còn gọi là sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ) rất đồ sộ được phát hiện; gồm sử thi Ốt Drông của người M’nông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xê Đăng. Mỗi bộ sử thi liên hoàn này gồm khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh; được các chuyên gia đánh giá là những sử thi có độ dài nhất của thế giới, sánh ngang với những tác phẩm sử thi hoành tráng của nước ngoài như Ramayana, Kalêvala…. Một điều thú vị khác là ở vùng Bắc Tây Nguyên (chủ yếu là Kon Tum) vốn trước đây bị coi là “vùng trắng” sử thi, thì qua điều tra, sưu tầm đã phát hiện ít nhất có 2 bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na và Xê Đăng.
Vậy là gần một thế kỷ kể từ khi L.Sabatier (nhà nghiên cứu người Pháp) công bố sử thi Đam San (Khan Đăm Xăn) năm 1927, giới nghiên cứu và công chúng rộng rãi chỉ biết sử thi Tây Nguyên như một hiện tượng văn hóa đột xuất với vài cái tên ít ỏi (sau Đam San có Đam Di, Khinh Dú, Đam Đơroan, Y Ban, Y Bơrao), thì nay với kết quả này đã phát lộ và khẳng định: vùng đất Tây Nguyên đã và đang lưu giữ một kho tàng khổng lồ các tác phẩm sử thi.
Những nguy cơ hiện hữu
Đến nay đã có 75 bộ sử thi được xuất bản (song ngữ) và 21 bộ sử thi khác sắp sửa được xuất bản. Tuy nhiên, việc làm này cũng mới chỉ dừng lại ở khâu “văn bản hóa” sử thi thành sách rồi… cất kho. Ông Trương Bi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên lâu năm nhìn nhận: “Chỉ dăm năm nữa là sử thi biến mất trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”. Nói một cách thẳng thắn là sử thi đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử”.
Diễn xướng mang tính cộng đồng (hát kể sử thi) là "con đường" để trí tuệ dân gian được phổ biến, lưu giữ ký ức văn hóa, nhưng hiện tại trong số 368 nghệ nhân biết hát kể sử thi Tây Nguyên đã được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “nghệ nhân dân gian” (trong đó có một số người đã được nhận danh hiệu cao quý này) thì hiện nay số người còn sống chỉ còn đến trên đầu ngón tay. Riêng ở Đắk Lắk và Đắk Nông, hiện chỉ còn 5 người biết hát kể sử thi Ê Đê và 2 người biết hát kể sử thi M’nông. Tuy nhiên, trong số này cũng chỉ còn lại vài người là còn minh mẫn và sức lực để hát kể sử thi và cũng đang chật vật với cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”.
Việc phiên âm, biên dịch các tác phẩm sử thi vốn là công việc khó khăn, nay lại càng nan giải hơn bởi những nghệ nhân vừa biết hát kể sử thi, vừa có khả năng phiên âm, biên dịch chuyển ngữ vốn đã cực kỳ thưa thớt thì nay hầu như không còn ai. Nghệ nhân Điểu Kâu, người duy nhất vừa biết hát kể, vừa có khả năng phiên âm, biên dịch sử thi M’nông đã qua đời vì bạo bệnh mà một phần nguyên nhân là do làm việc đến kiệt sức. Dù trước đó, ông đã được “trưng dụng” cho công việc phiên âm, biên dịch sử thi M’nông 365/365 ngày, thì phần sử thi M’nông còn lại chưa được biên dịch, chuyển ngữ cũng còn quá nhiều.
Người Ê Đê có câu “Thiếu tiếng chiêng, tiếng khan như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Vậy nên, sau mỗi mùa nương rẫy đồng bào Tây Nguyên lại tổ chức lễ hội “mùa ăn năm uống tháng” và đây cũng là dịp để người kể và người nghe sử thi hội ngộ. Nhưng hiện không gian hát kể sử thi vốn gắn liền với văn hóa nương rẫy, nhà dài, nhà rông, bến nước, nhà mồ… đang bị mất đi rất nhanh chóng.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian từng nhận xét: Với người dân thiểu số Tây Nguyên, tất cả đều phải xuất phát từ buôn, làng để rồi trở lại buôn, làng. Phải tôn trọng văn hóa buôn làng - rừng truyền thống của họ (không phải rừng rú như có người vặn vẹo). Phá vỡ thiết chế đó là phát sinh bi kịch - bi kịch văn hóa, bi kịch xã hội.
Với những nguy cơ hiện hữu ấy, các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nhận định rằng, chỉ dăm năm nữa, muốn tiếp cận sử thi Tây Nguyên chỉ còn cách là vào tìm trong kho của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam mà thôi.
Ông Trương Bi đã nêu ra giải pháp cần kíp để cứu sử thi: Tổ chức nhiều hơn nữa các lớp truyền dạy hát kể sử thi và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với các nghệ nhân. Chuyển nội dung các bộ sử thi từ sách qua băng, đĩa phát phát trên các đài truyền thanh cho đồng bào nghe thường xuyên. Thứ nữa, biên tập Sử thi thành các cuốn truyện tranh mỏng song ngữ (tiếng Việt và tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên) rồi đưa vào các thư viện trường học, nơi có con em đồng bào dân tộc theo học, phát cho đồng bào. Chuyển sử thi thành phim hoạt hình, phim truyện rồi công chiếu trên truyền hình, chiếu phục vụ các buôn làng… Đồng thời, chọn một số buôn còn các nghệ nhân để phục hồi sinh hoạt hát kể sử thi. Ngoài ra, cần đưa sử thi vào các cuộc liên hoan, dân ca, dân vũ...
Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã hoàn tất và gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Báo cáo khoa học (tóm tắt) “Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Đắk Lắk đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Trên cơ sở đó Bộ sẽ có kế hoạch cho việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể.
Việt Dũng