Xuất hiện ở Việt Nam cũng một thời gian, nhưng Acoustic vẫn chưa phải thể loại nhạc “dễ chinh phục”. Dường như, lối hát “mộc” với sự trợ giúp chỉ của những nhạc cụ “không điện tử” vẫn khiến các ca sĩ e ngại.
Thế nên, khi Phương Nga “thính phòng” (giải nhất cuộc thi Sao Mai 2001, dòng nhạc Thính phòng) quyết định trở lại với album CD Phương Nga Acoustic “Ơi cuộc sống mến thương”, đã không khiến mọi người bất ngờ.
Bất ngờ bởi từ một ca sĩ chuyên hát “nhạc đỏ”, rất thành công với dòng nhạc thính phòng, tên tuổi ngay từ sau khi “đăng quang” (năm 2001) đã gần như bị “đóng đinh” với “Bóng cây Kơ- nia”, “Cánh chim báo tin vui”… giờ chuyển sang lối hát đầy mới mẻ, giờ thử sức với cả nhạc Trịnh Công Sơn (trong “Hoa xuân ca”), Y Vân (“Lòng mẹ”). Hoàng Phúc Thắng (“ Đêm mùa đông Hà Nội”)… Và bất ngờ hơn là hoá ra không có độ chênh nào giữa giọng ca thính phòng và lối hát Acoustic, nếu không muốn nói là sự “điêu luyện” trong thính phòng chính là lợi thế cho Phương Nga trong album này.
Cũng dễ hiểu cho sự thành công, bởi như NSND Quang Thọ đã tâm sự trong buổi ra mắt album của Phương Nga: Vốn 50 năm trước, các nghệ sĩ Việt Nam đã hát Acoustic rồi, bởi lúc đó, nào có nhạc cụ điện tử nào để đệm cho các nhạc sĩ, hầu hết chỉ có những nhạc cụ như đàn ghi ta, sáo, kèn… Và trong hoàn cảnh đó, đòi hỏi các nghệ sĩ phải hát rất chuẩn “Giọng phải thật sự tốt, hát cực kỳ chuẩn xác, hơi thở phải thật nhuần nhuyễn” thì mới thành công được- như lời NSND Quang Thọ. Thế nên, với một giọng ca đẹp và một kỹ thuật điêu luyện như Phương Nga, thì Acoustic không thể “làm khó” cô ca sĩ sinh năm 1978 này được.
CD Phương Nga Acoustic “Ơi cuộc sống mến thương”, đúng như tên gọi, được Phương Nga gói trọn những cung bậc cảm xúc từ thuở thiếu thời đến cuộc sống của người phụ nữ hôm nay. Album tuyển chọn những ca khúc hát về tinh thần lạc quan, yêu đời của người con gái mới lớn, là tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước; là những cảm xúc yêu của người phụ nữ; là sự cảm thông khi hát về tình yêu của những người mẹ Việt Nam và cả sự chiêm nghiệm về cuộc đời được Phương Nga gửi gắm qua 8 ca khúc: “Tiếng võng ru trưa” (Lã Văn Cường), “Đêm mùa đông Hà Nội”( Hoàng Phúc Thắng), “Biển hát chiều nay” (Hồng Đăng), “Lòng mẹ” (Y Vân), “ Một đời người một rừng cây”, “Đêm thành phố đầy sao” (Trần Long Ẩn), “Hoa xuân ca” (Trịnh Công Sơn) và “Ơi cuộc sống mến thương” (Nguyễn Ngọc Thiện). Phương Nga tâm sự: “Cuộc sống là những chuỗi ngày với bao buồn vui, lo toan, vất vả nhưng Phương Nga mong mỗi chúng ta ai cũng sẽ nỗ lực hết mình để vươn lên và luôn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Điều đó sẽ giúp mỗi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Phương Nga mong muốn album này sẽ là món quà tinh thần, một dòng nước mát chia sẻ với khán giả sau những bộn bề lo toan vất vả. Đặc biệt Phương Nga phát hành album “Ơi cuộc sống mến thương” đúng dịp ngày 8/3 hy vọng sẽ là một trong những món quà để phái mạnh dành tặng cho một nửa thế giới của mình”.
Với “Ơi cuộc sống mến thương”, người nghe dường như gặp một Phương Nga “quen mà lạ”. Quen bởi vẫn chất giọng tuyệt vời, dầy, khoẻ của cô gái nhỏ đã thành công trong cuộc thi Sao Mai đầu tiên ấy. Lạ bởi sự làm mới mình của Phương Nga trong mỗi ca khúc. Nó thể hiện một sự đầu tư rất kỹ lưỡng, trong việc chọn ca khúc, trong việc xử lý ca khúc. Trong hai ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà Phương Nga chọn, có lẽ thành công hơn cả là “Một rừng cây một đời người”. Ca khúc vốn nặng tính triết lý, đậm chất tự sự này, qua lối hát Acoustic của Phương Nga bỗng mềm hơn, thấm hơn nhưng lại “ngọt ngào” hơn, nó khiến người nghe có một cảm nhận rất mới với một ca khúc vốn đã rất cũ và được rất nhiều ca sĩ hát thành công. Và đặc biệt, với ca khúc này, Phương Nga cũng đã khoe được gần như hết kỹ thuật điêu luyện, khả năng xử lý hơi tuyệt vời của một người đã hàng chục năm ngồi trên ghế Nhạc viện Hà Nội (cũ), và giờ lại đang tiếp tục hành trình là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia này. Đây cũng chính là ca khúc thành công nhất của album.
Với “Đêm mùa đông Hà Nội”, ta cũng gặp một Phương Nga rất mới, đầy nữ tính. Phương Nga tâm sự: “ Ca khúc “Đêm mùa đông Hà Nội” là một bản tình ca đượm màu trữ tình man mác buồn. Phương Nga yêu thích ca khúc này từ từ khi mới chỉ 18 - 20 tuổi… Phương Nga thấy mình ở trong mỗi lời ca, ào về những cảm xúc khi thể hiện không gian của phố phường Hà Nội vào những đêm mùa đông, những tiếng rao của người bán hàng đêm… Nga yêu từng góc phố, từng hàng cây yêu tất cả những gì dù nhỏ nhất và bình dị nhất của Hà Nội”. Có lẽ vì yêu, nên không bất ngờ khi Nga đã chinh phục được người nghe ngay ở lần đầu tiên khi “bập” vào “Đêm mùa đông Hà Nội”
Với “Biển hát chiều nay”, người nghe dường như gặp lại cố NSND Lê Dung. Phương Nga tâm sự:“ Đây là ca khúc đã được cố NSND thể hiện rất nhiều lần. Năm 2011, trong một lần xem chương trình biểu diễn, có tiết mục “Biển hát chiều nay” được thể hiện khá đặc biệt, tiếng hát được bật bằng băng âm thanh giọng hát của cố NSND Lê Dung, còn trên sân khấu chỉ có dàn múa phụ họa. Phương Nga đã ngồi lặng nghe và nước mắt cứ chảy ra. Phương Nga thấy thương và nhớ NSND Lê Dung vô cùng (cô là người dạy Phương Nga hơn một năm đầu đại học) và Nga quyết định phải hát bài này trong đĩa theo cách riêng để thể hiện tình cảm dành cho nghệ sĩ Lê Dung”. Nhưng có lẽ, không chỉ là ca khúc gắn với người thày của mình, việc Phương Nga chọn ca khúc này như một điểm nhấn của album, cũng bởi ca khúc này đã gắn bó với tên tuổi Phương Nga trong thời gian qua…
Sinh ngày 8/12/1978 tại Hà Nội, là con gái út trong gia đình có hai chị em, Phương Nga bắt đầu học thanh nhạc chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và đã tốt nghiệp trung cấp với số điểm xuất sắc: 10 điểm. Năm 1999, Phương Nga thi vào hệ đại học Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự dìu dắt của cố NSND Lê Dung. Phương Nga được coi là “hạt giống đỏ” và được NSND Lê Dung hết lòng yêu thương dạy dỗ. Sau khi NSND Lê Dung qua đời, Phương Nga đã rất may mắn được PGS.NSND Trung Kiên nhận giảng dạy. Và người thày này vẫn tiếp tục cùng Phương Nga trong hành trình tới ngày hôm nay: Là Nghiên cứu sinh năm đầu tiên. Hiện Phương Nga là giảng viên Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, với một bảng thành tích cũng khá tự hào: Giải Nhất giọng hát trẻ Hà Nội – tháng 1/2001; Giải Nhất Sao Mai lần thứ nhất - tháng 9/2001; Cúp Bạc tại liên hoan âm nhạc “Mùa Xuân Bình Nhưỡng” với sự tham gia của 53 Quốc Gia tổ chức tại CHDCND Triều Tiên - tháng 4/2002.