Sân khấu hóa lịch sử 990 năm của mảnh đất địa linh- nhân kiệt Thanh Hóa

Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019) sẽ diễn ra vào ngày 8/5/2019, tại Quảng trường Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa), được truyền hình trực tiếp trên sóng của đài THVN và đài PTTH Thanh Hóa.

Nhận lời mời của Tỉnh ủy, UBND và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, đạo diễn Lê Quý Dương sẽ chính thức viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn dàn dựng chương trình lễ kỷ niệm này.

Đầy tính thử thách

Dù đã có kinh nghiệm viết kịch bản và dàn dựng cho hơn 50 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí tại Việt Nam và quốc tế, mà gần đây nhất là Lễ Kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt – Hoa Lư, Ninh Bình rất thành công; nhưng với lần thử sức này, tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương vẫn thấy rất đặc biệt. Anh chia sẻ: “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một chương trình đặc biệt khó, nhưng rất thú vị”.

Chú thích ảnh
Sân khấu hóa 990 năm của mảnh đất địa linh- nhân kiệt Thanh Hóa. Ảnh: BTC

Theo tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương, khó bởi thứ nhất là mốc thời gian 990 năm chỉ xác định sự hình thành tên gọi Thanh Hóa cho một vùng đất có tiến trình lịch sử hàng triệu năm gắn với sự xuất hiện của người Việt cổ. Bởi vậy chỉ riêng việc thể hiện lịch sử 990 năm Thanh Hóa trong một chương trình Lễ Kỷ niệm 90 phút sao cho đầy đủ, tinh tế, không thiếu, không thừa đã là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào. Hơn thế, Lễ Kỷ niệm 990 năm không thể chỉ nhắc tới giai đoạn lịch sử từ khi xuất hiện tên gọi Thanh Hóa đến nay, mà còn cần phải nhắc tới cả cội nguồn lịch sử ở Thanh Hóa từ trước đó rất nhiều, để làm nổi bật ý nghĩa to lớn của sự xuất hiện tên gọi Thanh Hóa trong bức tranh toàn cảnh của một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Thứ hai, chỉ riêng quãng thời gian 990 năm (1029 – 2019) từ khi tên gọi Thanh Hóahình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa đã là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc. Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, Thanh Hóa đã thực sự trở thành “vùng đất căn bản” của nước Đại Việt hôm qua, của tổ quốc Việt Nam hôm nay. Chương trình đặt ra yêu cầu to lớn là phải đảm bảo được chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa trong công tác xây dựng kịch bản và dàn dựng chương trình.

“Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, UBND và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một hội đồng cố vấn bao gồm các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam đến từ Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Thanh Hóa để trao đổi, bàn luận và phản biện với một tinh thần hết sức khách quan và khoa học. Tên chương trình “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” cũng được cân nhắc và nghiên cứu thấu đáo trong tương quan hình thành và phát triển của các miền đất khác trên địa bàn cả nước, trước khi được chính thức quyết định”, tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.

Về phần mình, Lê Quý Dương đã đưa ra chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” cho chương trình. Theo tác giả- đạo diễn Lê Quý Dương, trong lịch sử hàng nghìn năm nói chung và lịch sử 990 năm tên gọi Thanh Hóa nói riêng, xứ Thanh đã là cái nôi phát tiết và sinh dưỡng nhiều anh hùng và danh nhân của dân tộc. Chính những con người này, cùng với nhân dân xứ Thanh đã tỏa sáng cùng non sông đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn làm giàu có thêm những trang quốc sử huy hoàng. Chủ đề của chương trình nhấn mạnh vào khía cạnh xứ Thanh tuy là “vùng đất căn bản” nhưng không tồn tại tách biệt đơn lẻ mà tỏa sáng và hòa chung cùng hào khí của cả non sông đất nước, tạo nên một tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam như hôm nay.

Sự hoành tráng đáng nể

Chương trình “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ huy động một lực lượng nghệ sỹ, diễn viên hùng hậu, với hơn 500 người. Các nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực đã được tác giả Kịch bản – Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương mời tham gia sáng tạo và biểu diễn trong chương trình. Tiêu biểu như NSND Hương Thơm, NSND Trương Hải Thọ, Nhạc sỹ NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình (Đạo diễn dàn dựng các trường đoạn), NSƯT Mạnh Tiến (Giám đốc Âm nhạc), Họa sỹ Phạm Duy Phương (Xây dựng ý tưởng thiết kế sân khấu), NSƯT Nguyễn Đạt Tăng (Thực hiện Sân khấu). NSƯT Trọng Tấn, Anh Thơ, Lê Anh Dũng… thể hiện các ca khúc chính của chương trình. Cùng với đó là các biên đạo múa Thiên Lãng, Thanh Hải, Tùng Dương, Nguyễn Thùy, đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa.

Tham gia biểu diễn có các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Lam Sơn, Đại học VHTTDL Thanh Hóa, Đại học Hồng Đức, CLB Tuồng Thăng Long Hà Nội và các võ sinh võ cổ truyền Việt Nam.

Toàn bộ sân khấu và décor trang trí được thực hiện bới NSUT Đạt Tăng, nghệ nhân Nguyễn Đỗ Thành và các nghệ nhân điêu khắc của Hà Nội và Thành phố HCM. Đặc biệt, các chuyên gia pháo hoa kỹ xảo của Singapore sẽ phối hợp với Tổng Đạo diễn và nghệ nhân Thanh Minh cùng Công ty Việt Giang thiết kế kỹ thuật pháo hoa mở màn độc đáo, tương tác với video, múa và nghệ thuật âm nhạc trống đồng.

Chương trình Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ được dàn dựng trên không gian sân khấu quảng trường Lam Sơn với chiều dài hơn 100m, phục vụ trên 20.000 khán giả tham dự chương trình trực tiếp và hàng triệu khán giả theo dõi qua sóng truyền hình trực tiếp.

Tổng thể không gian sân khấu là sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu, tôn vinh Thần trống Đồng hiện còn được thờ ở đền Đồng Cổ, ngôi đền lâu đời nhất trên xứ Thanh.

Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyên kể của Thần Đồng Cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), Mô hình biểu tượng của tỉnh, Cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc, tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa. Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả Kịch bản – Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương với 9 trường đoạn liên tục và liền mạch gồm: Địa linh nhân kiệt – Truyền thống anh hùng – Khát vọng thịnh vượng. Chương I: Địa linh nhân kiệt với các trường đoạn: Cội nguồn xứ sở - Hội thề Đồng cổ - Gọi tên quê hương. Chương II: Truyền thống anh hùng với các trường đoạn: Bài ca giữ nước – Kỳ tích Hàm Rồng – Tỏa sáng cùng non sông đất nước. Chương III: Khát vọng thịnh vượng với các trường đoạn: Nghị lực vươn lên – Đổi mới phát triển – Khát vọng thịnh vượng.

“Tôi cùng ê kíp sẽ áp dụng phương pháp dàn dựng tổng thể kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, với mong muốn tạo cho chương trình tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả. Nghệ thuật tuồng, chèo cổ, trống đồng, ngâm vịnh được kết hợp các thể văn tế, cáo sẽ được đan xen với ca, múa, nhạc với việc ứng dụng mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động, kỹ thuật cơ học sân khấu, âm thanh, ánh sáng, pháo kỹ xảo và nghệ thuật trình chiếu video hiện đại tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho chương trình. Đặc biệt hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình”, Lê Quý Dương chia sẻ.

PV/Báo Tin tức
Gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc 
Gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc 

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa  đặc sắc, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng trang phục các dân tộc đã tạo nên bức tranh đa sắc màu trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN