Sân chơi bổ ích của sinh viên Nga học tiếng Việt ở Moskva

Với các phần như thi hỏi đáp "hái hoa dân chủ" về Việt Nam; thể hiện các bài hát, điệu múa Việt Nam, nấu món ăn truyền thống Việt Nam hay nhảy sạp, các sinh viên Nga học tiếng đã có một ngày chủ nhật thú vị để thể hiện sự hiểu biết, tình yêu của mình với Việt Nam.

Nữ sinh viên Nga duyên dáng trong áo dài.


Họ đến từ 4 trường đại học ở Moskva gồm Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO); Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Moskva (MGU); Viện Đông phương học thực hành (IPV) và trường quân sự.

Có thể xem họ là các sinh viên Nga duy nhất được đào tạo tiếng Việt bài bản ở thủ đô Moskva, những nhân tố sau này sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ Nga-Việt.

Phần thi đầu tiên, cũng là phần thi khó khăn nhất, là hỏi đáp kiến thức văn hóa, lịch sử Việt Nam. Các sinh viên bốc thăm để trả lời những câu hỏi như: Ở Việt Nam hiện có bao nhiêu dân tộc? Hãy kể tên 5 dân tộc em biết?; Mâm cỗ ngày tết của người Việt thường có những món gì? Hãy kể tên 5 món ăn em nhớ.

Và câu hỏi: Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò như thế nào trong lịch sử Việt Nam? Em hãy kể những gì em biết về Bác Hồ; hay câu đố vui dân gian Việt Nam...

Dù kiến thức đã được học ở trường, do giám khảo, cũng là những giáo viên trực tiếp dạy các em soạn thảo, song để có thể nhớ chi tiết, trình bày suôn sẻ bằng tiếng Việt, sinh viên của cả 3 đội phải rất nỗ lực. Tuy nhiên tất cả đều hăng hái trả lời với hy vọng giành nhiều điểm nhất cho đội của mình.

Sinh viên Nga biểu diễn tiết mục múa của Việt Nam.


Em Daniel, sinh viên năm thứ 2 Viện Đông phương học thực hành (IPV) cho biết: "Đối với em tiếng Việt rất hay. Em chọn tiếng này vì em cảm thấy Việt Nam rất thú vị. Em rất muốn học tiếng Việt và sang làm việc ở Việt Nam".

Em Maxim, cũng là sinh viên năm thứ 2 IPV nói: "Em rất thích tiếng Việt vì tiếng Việt rất đẹp. Em quan tâm tới văn hóa Việt Nam vì Việt Nam có văn hóa rất hay và lịch sử anh hùng. Và chúng em rất thích học lịch sử Việt Nam".

Phần trình diễn các bài hát, điệu múa tiếng Việt cũng rất thú vị. Các sinh viên, trong trang phục truyền thống Việt Nam tự tin thể hiện các tiết mục mình lựa chọn như bài hát "Nối vòng tay lớn" của sinh viên Viện các nước Á-Phi hay múa hóa sen của sinh viên MGIMO.

Bạn Natasa, sinh viên năm thứ 4 MGIMO cho biết, "tất nhiên chúng em thích tất cả các điệu múa Việt Nam, vì động tác rất dịu dàng, mềm mại".

Tiếp theo là phần thi nấu món ẩm thực Việt Nam: Bánh giò, Bánh bột lọc và Bánh ít trần. Em Julia, sinh viên năm thứ 2 Viện các nước Á-Phi thuộc MGU cho biết: "Có vẻ như nấu các món ăn này khá khó khăn, như món ăn chúng em nấu được làm từ sắn. Tuy nhiên em cho rằng chúng em đã chế biến được. Chỉ còn lại việc pha nước chấm".

Phần ăn chấm điểm của bán giám khảo và nếm thử bánh của các sinh viên quả là vui khi các sinh viên cùng thưởng thức những sản phẩm do chính tay mình làm ra.


Nữ sinh viên Nga chăm chú làm món ăn Việt Nam.


Cô Elena Tyumeneva, Tiến sĩ lịch sử, Giáo sư Học Viện Phương Đông và Trường ngoại ngữ cao cấp trực thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga nói: "Sinh viên của tôi gọi tôi là cô giáo Liên. Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1967 và sau khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế tôi bắt đầu dạy tiếng Việt ngay, từ đó đến nay đã 40 năm. Theo tôi, cuộc thi tìm hiểu Việt Nam như vậy là rất bổ ích không những đối với các sinh viên học tiếng Việt mà còn với cả gia đình của họ".

Nghiên cứu sinh năm thứ 3 Đại học sự phạm Moskva, giảng viên Học viện Phương Đông, Nguyễn Thanh Hà cho biết: "Mọi thứ bắt đầu từ tình yêu của các bạn với Việt Nam. Khi lần đầu tiên bọn em tổ chức lễ đón năm mới cho các sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 4 ở IPV thì các sinh viên trường khác biết được điều này và họ cảm thấy rất muốn được tham gia một hoạt động như thế. Một sân chơi vừa hiểu được văn hóa, vừa có kiến thức và biết đươc nhiều hơn về Việt Nam. Vì suy nghĩ đó bọn em đã quyết định làm một chương trình như thế này".

Cuộc thi kết thúc với tiết mục nhảy sạp. Dù mới là lần đầu song tất cả các sinh viên đều hào hứng năm tay nhau vượt qua thử thách này.

Có thể nói, đây thực sự là một sân chơi bổ ích và lý thú giúp gắn kết hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nga.


Tin, ảnh: Duy Trinh
(P/v TTXVN tại Nga)

Học tiếng Nga qua những lời ca thú vị
Học tiếng Nga qua những lời ca thú vị

Một trong những trở ngại hàng đầu đối với sinh viên Việt Nam sang LB Nga học tập là tiếng Nga. Và với nhiều em học sinh, phương pháp êm ái nhất để làm quen với ngôn ngữ này là ca từ của những bài hát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN