Đáng chú ý, 2 năm trước, ông Phước cũng là người cùng đại diện một số đơn vị xuất bản khác lên tiếng tố giác 33 địa chỉ chuyên bán sách giả trên mạng, sau khi đã bỏ công tìm tới những địa chỉ này để mua sách và kiểm tra.
Rất nhanh sau đó, 33 địa chỉ này đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa vào danh sách khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác. Nhưng tất cả chỉ có vậy - khi việc đóng Facebook, “lặn” một thời gian rồi chuyển sang địa chỉ khác - là chuyện rất đơn giản với người dùng trong bối cảnh bây giờ.
Sự thực, không khó hiểu, khi người trong cuộc chỉ cần nhìn qua ảnh là có thể nhận ra những cuốn sách giả. Được scan rồi “chế” lại từ sách thật, những cuốn sách này thường có mực in không đều, sử dụng giấy in kém chất lượng, và đặc biệt đều in đen trắng ở các các phần phụ bản - vốn là ảnh in màu trên sách gốc. Nhưng, vì hoàn toàn không phải mất hàng loạt khoản phí về tác quyền, chế bản, thuế hay tiền vận hành... những bản sách này dù bán giá rẻ vẫn có thể mang lại cho phía kinh doanh những khoản lợi khổng lồ.
Bởi thế, từ 2 thập niên qua, cùng với sự phát triển của đời sống xuất bản, sách giả cũng xuất hiện ngày nhiều trên thị trường. Đơn cử, chính ông Nguyễn Văn Phước và Công ty Trí Việt hiện giờ vẫn là chủ nhân của một kỷ lục buồn trong làng xuất bản: Cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie (do đơn vị này nắm bản quyền từ 2005) đã bị làm giả tới... gần 20 lần trong những năm qua, bởi các nhóm đầu nậu khác nhau.
Để rồi bây giờ, khi sách giả cũng tận dụng mạng xã hội để “chiếm sóng” và tiếp cận các độc giả tiềm năng, rõ ràng sự nghiêm trọng của vấn đề lại tăng thêm nhiều lần.
Bởi ai cũng rõ, sách giả không chỉ là thứ sản phẩm lừa dối bạn đọc về chất lượng hay khiến thu nhập của giới xuất bản bị thiệt thòi. Quan trọng nhất, đó chính là con đường hủy hoại tâm huyết của những người làm sách một cách nhanh chóng nhất, khi họ thấy chất xám và công sức của mình bị chiếm đoạt để kinh doanh một cách thản nhiên nhất.
Chắc chắn, bên cạnh những giải pháp “phòng vệ” của giới xuất bản (trong đó, có cả việc nhiều đơn vị đang kêu gọi cùng nhau thành lập một Hiệp hội chống sách giả), rõ ràng mọi thứ đang phụ thuộc rất nhiều vào cách xử lý của các cơ quan chức năng đối với những trường hợp vi phạm trong câu chuyện này.
Cần nhắc lại, vài tháng trước, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố hàng chục bị can trong vụ án liên quan tới một đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa giả. Thông tin ấy từng làm nức lòng những người trong giới xuất bản - vốn từ rất lâu đã lên tiếng đề nghị truy tố việc này theo tội danh sản xuất buôn bán hàng giả của Bộ luật hình sự, thay vì xử phạt hành chính như trong những năm qua.
Còn bây giờ, khi sách giả đã kịp... lên chợ online trong những năm qua, rõ ràng sự cương quyết của ngành quản lý cần được duy trì, để sách thật không chết dần chết mòn - như cách chúng ta đang nói.