Dự hội thảo có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, các chức sắc Phật giáo và đông đảo tín đồ Phật tử. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi lẵng hoa chúc mừng.
Hội thảo nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học để thảo luận, làm rõ trên các phương diện lý luận, nhận thức, khuynh hướng và những nội dung về vị trí, vai trò của Phật giáo trong lịch sử và hiện tại; của khuynh hướng Phật giáo nhập thế cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và con người đương đại; đồng thời, phát huy các giá trị tốt đẹp của Phật giáo cho hòa bình, ổn định, phát triển của con người và xã hội, tạo cơ hội thúc đẩy sự đối thoại và quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về Phật học.
Hội thảo cũng là dịp động viên, khích lệ các tăng, ni, tín đồ Phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức hội thảo cho biết, trải qua hơn 2.000 năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của đông đảo nhân dân; tín đồ, Phật tử ngày càng có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc.
Vốn là một tôn giáo xuất thế, nhưng khi được truyền bá và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo lại rất nhập thế. Thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, khi đất nước hùng cường, Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo tham gia chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc; khi đất nước hòa bình, an lạc, Phật giáo tích cực tham gia xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc.
Trong lịch sử, với tư tưởng từ bi và cứu độ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã sớm thể hiện ở việc Phật giáo quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề của cuộc đời. Bước vào thời hiện đại, Phật giáo nhập thế đã thực sự trở thành một khuynh hướng và ngày càng mang tính phổ quát. Phật giáo góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội như giáo dục đạo đức, lối sống; bảo vệ môi trường; an sinh xã hội…, từ đó định hướng nhận thức cho nhân dân về các giá trị tốt đẹp của dân tộc trong xã hội đương đại, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.
Gửi thư chúc mừng Hội thảo, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhận định, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, với tinh thần “hộ quốc, an dân”, đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình truyền bá giáo lý Phật đà. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, không ít tu sỹ Phật giáo đã lên đường đánh giặc, cứu nước, trở thành những chiến sỹ cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ xa xưa, giáo lý Phật đà đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo người Việt Nam. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Khi đất nước hòa bình, kế thừa truyền thống vẻ vang, Phật giáo Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đồng hành với nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết.
Trong hai phiên làm việc, các học giả, nhà nghiên cứu đã làm rõ trên phương diện lý luận, nhận thức và những nội dung về vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử và hiện tại; khuynh hướng Phật giáo nhập thế cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại; phát huy các giá trị tinh hoa của Phật giáo Việt Nam...
Tham luận về “Mục tiêu phát triển bền vững - Hướng lựa chọn cho Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay”, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nêu lên những thách thức đe dọa phát triển bền vững của Việt Nam như tăng trưởng dựa nhiều vào khai thác tài nguyên nhưng cường độ sử dụng cao, hiệu quả sử dụng thấp, lợi ích phân bổ thiếu hợp lý. Cùng với đó là nguy cơ an ninh phi truyền thông từ đổ vỡ trong phát triển thiếu bền vững với 10 mối đe dọa là khủng bố, ma túy, rửa tiền, an ninh mạng, thảm họa môi trường, dịch bệnh, buôn bán người, hải tặc, di cư bất hợp pháp, cực đoan dân tộc, tôn giáo.
Đưa ra các mô hình phát triển bền vững cho Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng nêu triết lý của Phật giáo với phát triển bền vững, vai trò hoạt động của tín đồ Phật tử với sự phát triển bền vững của đất nước. Theo ông, Phật giáo đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, cùng trải qua bao thăng trầm và luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phật giáo đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới với tinh thần hòa hợp, đoàn kết, triển khai nhiều hoạt động ích nước, lợi dân nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền lãnh thổ... Phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” là một định hướng xác thực để tăng, ni, Phật tử Việt Nam có điều kiện dấn thân và góp phần phục vụ nhân sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thúc Lân (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như làm ăn phi pháp, buôn gian, bán lận, giết người, cướp của, sự xuống cấp về đạo đức và luân lý đe dọa sự phát triển bền vững cũng như sự suy thoái những giá trị đạo đức truyền thống. Khắc phục trình trạng trên, bên cạnh đổi mới giáo dục, đẩy mạnh giáo dục những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc kế thừa, chọn lọc những giá trị đạo đức nhân văn của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là hết sức cần thiết. Ông nhấn mạnh một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo cần phát huy trong xã hội Việt Nam hiện nay như lối sống thiện, đức nhẫn, tinh thần từ, bi, hỷ, xả...