Di sản văn hóa Huế là một phức hệ bao gồm cả quần thể di tích cố đô đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, chùa quán, cầu cống, phủ đệ; hệ thống kiến trúc cộng đồng, tôn giáo và kiến trúc dân gian; các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú;... Tuy nhiên, sau khi triều Nguyễn chấm dứt, hai cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm (1945-1975) đã tàn phá nghiêm trọng các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, việc quản lý lỏng lẻo cùng việc tu sửa các di tích một cách tùy tiện trước đây đã gây ảnh hưởng bất lợi cho các di sản. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Thanh Hải (ảnh) , Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống Cố đô Huế.
Thưa ông, đánh giá của UNESCO đối với công việc trùng tu di tích Huế như thế nào?
Mới đây, trong một lần đến Huế, bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: Hệ thống di tích Cố đô Huế từng có lúc được UNESCO đặt trong tình trạng khẩn cấp, cần phải được cứu vãn, do sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt. Tuy nhiên đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn di sản; đặc biệt là sự phát triển về nguồn nhân lực tại chỗ trong việc trùng tu di tích, một lĩnh vực luôn được UNESCO đánh giá cao hiện nay tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Lê Phú |
Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt được những thành tựu chính: Bảo quản cấp thiết hầu hết các di tích bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa v.v. nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ. Trùng tu, phục hồi một số công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, Cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, Cung Trường Sanh, hệ thống Trường Lang (Tử Cấm Thành), Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, các cổng Kinh thành... Củng cố hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài; điện đường đến các lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng đã được đầu tư, nâng cấp; hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, Cung Diên Thọ, Cung An Định... được đầu tư chỉnh trang theo hướng trả lại không gian vốn có. Hệ thống di sản văn hóa Huế từ đó đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị xâm lấn vẫn còn nhiều, biện pháp khắc phục của trung tâm ra sao, thưa ông?
Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện biện pháp phân vùng, cắm mốc để xác định khu vực bảo vệ, nhằm ngăn chặn việc tiếp tục xâm hại hệ thống di tích Cố đô Huế, vốn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hiện tại, các di tích đã được cắm mốc (bao gồm việc định vị, đo nối, cắm cọc tiêu) để khoanh vùng bảo vệ gồm: Hoàng Thành (phường Thuận Thành và Thuận Hòa), Cung An Định (phường Phú Nhuận), lăng Dục Đức (phường An Cựu), lăng Vạn Vạn (phường An Đông), lăng Hiếu Đông (xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy), lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà); cùng các di tích Văn Miếu - Võ Miếu, đàn Xã Tắc và lăng Khải Định...
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường các biện pháp quản lý chống xâm hại di tích; đồng thời, lập phương án giải quyết các trường hợp vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích lăng Minh Mạng và khu vực Văn Thánh, Võ Thánh (thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế). Tuy nhiên, do lịch sử để lại, việc vi phạm khu vực bảo vệ di tích lăng Minh Mạng hiện có tới 46 hộ, 227 khẩu. Đối với vành đai bảo vệ lăng Minh Mạng, tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương cần xác định nguồn gốc sử dụng đất, lên phương án tổng thể về đền bù vật kiến trúc và tài sản trên đất để làm cơ sở thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, đồng thời thu mua lại số cây xanh để làm vành đai bảo vệ lăng.
Vấn đề nan giải nhất của Thừa Thiên - Huế hiện nay là nguồn vốn bố trí cho việc di dời, giải tỏa các trường hợp xâm lấn ra khỏi hệ thống di tích quá lớn, vượt quá khả năng tài chính của địa phương.
Việc phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế hiện nay ra sao, thưa ông?
Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống… Nhiều công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội như: Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường (nơi biểu diễn múa, hát, tuồng và các nhạc khúc Cung đình phục vụ du khách), Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài. Các công trình hạ tầng Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn- Kỳ Đài, điện chiếu sáng Đại Nội và các lăng đã phục vụ tốt các lễ hội Festival cũng như cầu truyền hình trong các dịp lễ, Tết.
Các di sản văn hóa phi vật thể của Huế như thơ văn Hán Nôm trên di tích, văn bia, thơ Ngự chế được trang trí ở các cung điện, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc cung đình, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế... luôn được phát huy. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình về Di sản Văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn, trong đó có những công trình đoạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương...
Trung tâm đã nghiên cứu phục hồi một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Nam giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ Truyền Lô - Vinh quy bái tổ (Lễ vinh danh Tiến sĩ dưới thời Nguyễn), Lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mới nhưng dựa trên chất liệu truyền thống như Huyền thoại sông Hương, Hành trình mở cõi, Thiên hạ Thái bình… Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi cung đình… đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của đơn vị chủ nhà, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.
Việc khai thác và phát huy giá trị di sản còn tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, chằm nón lá, làm kẹo mè xửng, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế… đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch...
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Quốc Việt (thực hiện)