Đó là Nghệ nhân Danh Tiền (sinh năm 1963, ngụ ấp An Thọ, xã Định An); Nghệ nhân Danh Bê (sinh năm 1955, ngụ ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao). Những năm qua, hai nghệ nhân đã có nhiều đóng góp truyền dạy nghệ thuật Khmer truyền thống cho thế hệ sau góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Cầm trên tay tấm bằng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" vừa được trao tặng, ông Danh Bê vẫn như không tin mình được nhận vinh dự cao quý này. Nghệ nhân Danh Bê cho biết sẽ tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật và truyền dạy cho thế hệ sau.
Ngay từ nhỏ, ông Bê đã đam mê ca hát, tham gia vào các phong trào của ấp với những bài ca, điệu múa nhân dịp lễ, tết cổ truyền của đồng bào Khmer. Niềm đam mê ca hát đã thôi thúc ông tham gia vào các phong trào từ ấp đến cấp tỉnh. Cũng vì mê ca hát, ông Bê đã truyền dạy cho các con từng động tác, mong muốn môn nghệ thuật này được sống mãi. Khi có "đội quân" hùng mạnh, ông Bê bắt đầu thành lập "gánh hát".
Ông chọn những vở kịch để phân vai cho các con diễn cùng. Đội văn nghệ đã được ông thành lập gần 20 năm qua để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer. Luôn cố gắng truyền thụ văn hóa, nghệ thuật Khmer, ông biết đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, để các em biết đến nghệ thuật truyền thống và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong số này, phần lớn là cháu nội, cháu ngoại của ông Danh Bê, một số là con em cùng xóm hoặc ở các xã lân cận. Các em người vẫn còn đi học, có em đã rời mái trường để mưu sinh nhưng tất cả đều có điểm chung là đam mê nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer.
Nhờ sự tâm huyết của ông Danh Bê, lòng đam mê của các em nhỏ, việc dạy học các môn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer diễn ra thường xuyên. Đến nay, ông đã truyền dạy nghệ thuật truyền thống của đồng bào như các điệu múa cho đến hát rô băm, à dai, hò đối đáp và cải lương dù kê... cho khoảng 300 em.
Theo ông Danh Bê, mỗi điệu hát, lời ca, vở dù kê là một câu chuyện về giáo dục con người hướng thiện, diệt trừ cái ác, tình yêu thương con người, sự gắn kết của cộng đồng, làng xóm… Vì vậy, dạy cho các em nghệ thuật còn là dạy các em về truyền thống văn hóa dân tộc, tính hướng thiện...
Do kinh phí hạn hẹp, các đạo cụ để biểu diễn đa phần là ông mua hoặc cùng với bà Thị Đen (vợ ông) "tự chế". Các con, cháu của ông có đến 8 người theo các đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp. Những tấm huy chương, bằng khen mà ông treo ở nhà đã minh chứng cho kết quả đạt được của "gánh hát" gia đình qua các kỳ hội thi, hội diễn, liên hoan của huyện, tỉnh… Theo học nghệ thuật Khmer truyền thống do ông ngoại Danh Bê truyền dạy, em Huỳnh Thị Như (18 tuổi) hiện nay đã có thể hát múa các làn điệu như hát dù kê, rô băm… Em cho biết sẽ cố gắng phát huy đội dù kê mà ông ngoại em đã thành lập để thế hệ sau tiếp tục được thưởng thức những lời ca, điệu múa nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.
Với nghệ nhân Danh Tiền cũng vậy, hàng ngày, ông vẫn phải lo việc đồng áng. Mê ca hát, ông vẫn dành thời gian truyền dạy cho thế hệ con cháu trong gia đình và địa phương.
Năm 1998, ông thành lập "gánh hát" tại địa phương. Buổi đầu, "gánh hát" chỉ có 10 diễn viên, với những trang phục, đạo cụ đơn sơ. Đến nay, sau nhiều năm hoạt động, đội đã quy tụ được hơn 20 diễn viên. Thành phần chính của đội là vợ chồng ông Tiền cùng năm người con, các con dâu và thanh niên nam, nữ trong ấp. Khoảng sân trước nhà là sân khấu. Nơi đây cũng là nơi để tập dượt hàng đêm hay biểu diễn phục vụ nhân dân trong ấp.
Đội văn nghệ Khmer ấp An Thọ, xã Định An của ông Tiền đi diễn nhiều nơi phục vụ các sự kiện, ngày lễ lớn trong huyện. Đội còn tham gia các hội thi, liên hoan văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh và đoạt nhiều giải thưởng. Nhiều tiết mục của đội đã được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang chọn dàn dựng phát sóng trên chương trình tiếng Khmer của đài.
Hai Nghệ nhân Danh Tiền và Danh Bê cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì, phấn đấu sẽ ra mắt nhiều tiết mục hay hơn, phục vụ đồng bào Khmer; qua đó góp phần giữ gìn và phát triển môn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.