Những chương trình nghệ thuật mừng 30/4: Bồi đắp lòng yêu nước cho mọi thế hệ

Khắp các địa phương trên cả nước, hàng loạt chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức, nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Tháng Tư đến, mang theo bao ký ức thiêng liêng của dân tộc Việt Nam về ngày Thống nhất non sông, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình và phát triển.

Hòa trong không khí hào hùng ấy, khắp các địa phương trên cả nước, hàng loạt chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Không đơn thuần là những đêm diễn phục vụ khán giả, các chương trình này còn mang sứ mệnh đặc biệt: Bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay.

Suốt thời gian vừa qua, 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), với hơn 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của các đơn vị, đã và đang tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố, biểu diễn hàng trăm suất diễn phục vụ nhân dân, với nhiều tiết mục, chương trình, vở diễn hấp dẫn, thể hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như đánh giá toàn diện, sâu sắc những thành tựu phát triển của đất nước trên các lĩnh vực sau 50 năm thống nhất đất nước.

Điểm nhấn trong chuỗi chương trình biểu diễn là Chương trình hòa nhạc đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản); nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Việt Trung tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Chương trình nghệ thuật “Ký ức Trường Sơn” của Nhà hát Nghệ thuật đương đại, sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, như một hành trình trở về với quá khứ hào hùng, sống lại những thời khắc không thể nào quên của dân tộc.

Tại Thủ đô Hà Nội, thời điểm này cũng diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Đó là chương trình nghệ thuật “50 năm đất nước trọn niềm vui”, vừa diễn ra tối 30/4, do thành phố Hà Nội tổ chức, theo định hướng của Ban Tuyên giáo Dân vận Trung ương và chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội, Đài PT-TH Hà Nội phối hợp thực hiện, nằm trong chuỗi các chương trình hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm vóc, giá trị, ý nghĩa to lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.Chương trình một lần nữa khẳng định vai trò then chốt, vừa là đầu não, vừa là tiên phong của Thủ đô trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.

Trước đó, Hà Nội cũng là một trong 3 điểm cầu của chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn”, đã khẳng định tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Khán giả thắp sáng đèn với cờ đỏ sao vàng tại "Hẹn ước Bắc Nam" trên sân Mỹ Đình.

Cùng với đó là "Hẹn ước Bắc-Nam", diễn ra tối 22/4, tại sân Mỹ Đình (Hà Nội), gây ấn tượng bởi độ hoành tráng, từ sân khấu rộng lớn tới biên đạo, hơn 800 nghệ sĩ, diễn viên, quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSND Tự Long, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Vũ Thắng Lợi, NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Hòa Minzy,...và nhóm "Anh trai vượt ngàn chông gai". Một trong những màn biểu diễn thu hút sự chú ý của hàng vạn khán giả là hai chiếc xe tăng T-54 số hiệu 822 và 173 tiến vào sân khấu thực cảnh rộng 2.700m2.

Chú thích ảnh
Chương trình "Hẹn ước Bắc Nam" trên sân Mỹ Đình.

Tại TP Hồ Chí Minh, mảnh đất trung tâm của ngày lịch sử 30/4, nhiều chương trình nghệ thuật đã góp phần tạo nên không khí sôi động, lan tỏa tình yêu lịch sử, tình yêu quê hương đất nước trong nhân dân.

Chương trình “Bản hùng ca mùa Xuân đại thắng” được tổ chức tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ tối 29/4, quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu, được dàn dựng công phu bằng công nghệ ánh sáng hiện đại. Không khí lễ hội được thắp lên bằng các ca khúc cách mạng hào hùng và cả những bản nhạc trẻ trung, truyền cảm hứng. Sự kết hợp giữa thế hệ nghệ sĩ gạo cội và các gương mặt trẻ, đã tạo nên một dòng chảy tiếp nối – khi những giá trị lịch sử không nằm trong sách vở mà sống động giữa đời thường, trong từng tiếng hát, nhịp trống và ánh mắt người trẻ.

Một trong những điểm nhấn lớn nhất của chuỗi hoạt động nghệ thuật lần này là chương trình “Mùa Xuân thống nhất” do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Dinh Độc lập, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên, dàn nhạc, hợp xướng, cùng các lực lượng diễn viên quần chúng - tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa tầng kết nối quá khứ- hiện tại và tương lai đầy sống động và xúc động.

Tại nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước, các chương trình nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim lưu động kết hợp sân khấu hóa lịch sử… cũng được tổ chức đồng loạt. Nhiều địa phương còn lồng ghép biểu diễn nghệ thuật vào các hoạt động cộng đồng như thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, giao lưu với cựu chiến binh, hành trình “về nguồn” của thanh niên.

Đơn cử như đêm nghệ thuật “Thanh Hoá tự hào cùng non sông liền một dải” diễn ra tối ngày 30/4, tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa cũng thu hút đông đảo người xem, cùng ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.Hay chương trình nghệ thuật “Non sông thống nhất tại Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt đã diễn ra chương trình” như một bản trường ca bằng âm nhạc, vũ đạo và cảm xúc, tái hiện sống động hành trình vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ gian khổ chiến tranh đến ngày chiến thắng vẻ vang, thống nhất đất nước, dựng xây Tổ quốc hùng cường, bước vào kỷ nguyên mới... có sự theo dõi của hàng ngàn người dân. Chính sự gắn kết giữa nghệ thuật và thực tiễn đã khiến các chương trình mang tính giáo dục cao, dễ chạm đến trái tim công chúng.

Trong ngày 3/5 tới đây, nối tiếp nguồn cảm hứng từ thành công và sức lan tỏa mạnh mẽ từ các chương trình nghệ thuật mừng 50 năm giải phóng đất nước, thống nhất non sông, tại Điện Biên sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Non sông gấm vóc – Một dải vinh quang”, nhằm tôn vinh lịch sử oai hùng của dân tộc và khát vọng phát triển trong tương lai. Chương trình mang nhiều thông điệp hướng đến kỷ niệm những mốc son chói lọi trong hành trình đấu tranh và dựng xây đất nước: 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).

Chú thích ảnh
Phối cảnh chương trình nghệ thuật “Non sông gấm vóc – Một dải vinh quang”, sẽ diễn ra ngày 3/5 tới, tại Điện Biên.

Chương trình là sự kiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử, thể hiện sự tri ân sâu sắc tới những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng xương máu cho nền độc lập – tự do của Tổ quốc, là lời tưởng niệm thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước và lan tỏa khát vọng hòa bình, phát triển bền vững trong lòng mỗi người Việt Nam hôm nay.

Nhìn từ các chương trình nghệ thuật tái hiện, khắc ghi lại hành trình vẻ vang giành độc lập, hòa bình của dân tộc, có thể thấy rõ một thông điệp xuyên suốt: Nghệ thuật không chỉ để giải trí mà còn là phương tiện truyền cảm hứng, lan tỏa lý tưởng sống đẹp. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị bị xáo trộn, khi thanh niên dễ bị cuốn vào thế giới ảo, thì việc bồi dưỡng lòng yêu nước, nhắc nhớ lịch sử bằng con đường cảm xúc là điều vô cùng cần thiết. Không ép buộc, không giáo điều, nghệ thuật khơi mở từ trái tim đến trái tim – để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rằng: độc lập, hòa bình không phải là điều tự nhiên mà có, đó là thành quả của máu xương, của hy sinh thầm lặng, của những tháng ngày không thể quên.

Và như thế, mỗi chương trình không chỉ là món quà tinh thần, mà còn là cây cầu kết nối quá khứ và hiện tại. Những chương trình nghệ thuật này không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, từ đó bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong các chương trình đã tạo nên những trải nghiệm sâu sắc, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ái Vân
Cầu truyền hình 'Vang mãi khúc khải hoàn' – Lan tỏa tầm vóc và ý nghĩa lịch sử Đại thắng mùa xuân 1975
Cầu truyền hình 'Vang mãi khúc khải hoàn' – Lan tỏa tầm vóc và ý nghĩa lịch sử Đại thắng mùa xuân 1975

Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 27/4, Đài Truyền hình Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, thực hiện chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tại 3 điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN