Lần gần nhất, tôi gặp nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh(ảnh) tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên. Sức khỏe của ông đã kém đi nhiều sau những lần bị tai biến. Ông đi chập chững những bước chậm và giọng nói thỉnh thoảng đứt quãng, mặc dù thần thái gương mặt vẫn toát lên vẻ hóm hỉnh của một nhà thơ từng hào sảng đọc thơ khắp mọi miền đất nước những năm tháng đã qua.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh trưởng trong một gia đình tiểu thị dân. Khi toàn quốc kháng chiến (1946), ông đã rời gia đình tình nguyện đứng trong hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc rồi tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh và liên tục khoác áo lính cho đến lúc ông nghỉ hưu.
Trước khi biết đến với tư cách là một nhà thơ, Phạm Ngọc Cảnh là văn công trong Đoàn văn công quân khu Trị - Thiên trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Nhớ về những ngày tháng làm văn công, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tâm sự rằng ông vẫn còn lưu giữ những ký ức hồi ông đóng vai Trung úy Phương trong vở kịch “Nổi gió” của tác giả Đào Hồng Cẩm. Có những đêm trong ánh đèn sân khấu, ông như được sống một cuộc đời khác, khóc cười cùng nhân vật, hào sảng cùng nhân vật.
Trung úy Phương là một nhân vật đặc biệt vì phải sống nhiều tâm trạng, nhiều diễn biến tâm lý. Phạm Ngọc Cảnh vào vai đạt đến nỗi, thời ấy, có nhiều người gặp ông ngoài đời vẫn gọi ông là “Trung úy Phương”. Với Phạm Ngọc Cảnh, diễn viên kịch là một nghề cao quý, có thể gắn bó trọn đời, nhưng phía sau các vai diễn là lớp son phấn tạo sự hóa thân kỳ diệu thì ông vẫn là ông. Người ta có thể nhớ về vai diễn nhưng con người thật của Phạm Ngọc Cảnh thì bị ẩn đằng sau lớp áo mĩ miều ấy. Phạm Ngọc Cảnh vẫn muốn có một tiếng nói riêng của mình. Một thứ tiếng nói có thể đối thoại trực tiếp với một người mà không cần hai cánh màn khép mở, không cần cái khung kịch bản văn học, kịch bản đạo diễn, không đợi lên đèn, tiếng nói đó là thơ và những bài thơ đầu tiên ra đời khi ông đã là một diễn viên thực thụ. Phạm Ngọc Cảnh đã đi tìm nguồn thi ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc bởi cái phông kịch bản có sẵn hay những cảm xúc đã định hình, mặc dù hồi đó, Phạm Ngọc Cảnh ý thức được rằng, để có những trang thơ ở lại với cuộc đời nó cũng sẽ phải nếm trải không ít nhọc nhằn.
Trong thế hệ cầm súng đánh giặc như cha tôi những năm đất nước còn chia cắt, không ít người đã thuộc “nằm lòng” những câu thơ đầy ân tình giữa trận mạc: “Sông Ba Lòng ơi ta muốn áp tai nghe/ Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở/ Ta cúi hôn từng cụm lá chua me/ Ta chung thủy với cha ta ngàn đêm gian khổ…”; rằng cũng không ít lần những người lính đã đọc dưới chiến hào câu thơ này trước khi vào trận đánh: “Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh/ Thủ pháo rung rung đầu kíp nụ xòe…” của nhà thơ Vũ Ngàn Chi. Nhưng đã mấy ai biết được đó là những câu thơ viết tại mặt trận của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh – “Trung úy Phương” trong vở kịch “Nổi gió” mà nhiều người vừa mới được xem sau những trận bom B52.
Khi tập thơ đầu tiên “Gió vào trận bão” (1967) ra mắt, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh nghĩ rằng, theo đuổi thi ca có nghĩa là một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Nếu có dấu hiệu mệt mỏi ông thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Những người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ ông, nâng sức ông bay tiếp. Sau tập “Đêm Quảng Trị” (1971), Phạm Ngọc Cảnh đã rời hẳn ánh đèn sân khấu từ chiến trường miền Nam về làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ quân đội và toàn tâm toàn ý cho sáng tác, sau đó ông về hưu. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tâm sự: “Nếu tôi đi đến cùng với sân khấu chắc bây giờ bét nhất cũng đã có cái chức nghệ sĩ ưu tú rồi, nhưng khi tôi buộc phải vứt bỏ hòn son, hòn phấn để theo thơ thì có nghĩa là thơ ca đã mê hoặc tôi. Thơ theo tôi vào chiến trường với cái không khí dũng mãnh của các “Sư đoàn”, của các trận chiến đấu và chiến thắng, của từng bước chân hành quân cùng đồng đội, của người yêu dấu... Lúc vui sướng tôi tìm đến thơ và lúc đau khổ tôi cũng tìm đến thơ”.
Có lẽ nhắc đến Phạm Ngọc Cảnh không ai quên được bài thơ “Lý Ngựa ô ở hai vùng đất” với mạch thơ chảy dài bất tận theo tiếng vó ngựa ô: “Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu/ Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi/ Đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu/... Suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện/ Suốt miền Trung núi choài ra biển/ Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua/ Anh đa tình nên cứ muốn lần theo/ Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm/ Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm/ Vạch lá rừng nhìn xuống quê em/... Hay vì làng anh ở ven sông/ Những năm gần đây tháng Tư vào Hội Gióng/ Đã hát quen lý ngựa ô rồi/ Khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng/ Móng gõ mặt thời gian gõ trống/ Khen câu miền Nam như giục như mời/ Ngựa tung bờm bay qua biển lúa/ Ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa/ Tiếng hí chào xa khơi/... Em muốn về Hội Gióng với anh không/ Để anh khoe với họ hàng câu lý ấy/ Em muốn làm dâu thì em ở lại/ Lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi/ Đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc/ Cũng sắp về chia vui”.
Giờ đây, sau những lần bị tai biến, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh nói không rõ, ăn uống cũng phải có người vợ trẻ chăm bón. Người đàn bà đến với ông như một mối duyên định sẵn. Trong một lần đến nói chuyện tại lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh tại trường Viết văn Nguyễn Du, cô gái tên Hương ở xứ Thanh đã mê bài thơ và mê thầy giáo như... điếu đổ! Mối tình âm thầm ấy đã kéo dài gần 20 năm, chị một mình lẻ bóng ở vậy chờ nhà thơ của “Lý ngựa ô” để có một ngày sum họp hôm nay. Hàng ngày chị Hương phải luyện tập cùng chồng, chuyện trò, nấu những món ăn mà nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh yêu thích. Con người nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh hào sảng là thế, gàn là thế, từng vào Nam ra Bắc, hóa thân vào những vai diễn để lại dấu ấn cùng một thời kỳ lịch sử của dân tộc nhưng trong lúc đau yếu, đôi khi, ông miên man như thể lạc vào một cõi xa xăm của ký ức. Nhưng trong con mắt ông vẫn toát lên thần thái ngang tàng, hào hoa của một nhà thơ xứ Nghệ, một sự chu đáo và ân tình. Tôi có cảm tưởng ông những muốn đọc vang lên như năm nào câu thơ: “Câu hò thổi dạt hồn sông/ Tháo tung bè nứa tôi trồng trả ơn..”.
Trần Hoàng Thiên Kim