Người họa sĩ mê giấy ở đất Cố đô

“Bản thân tờ giấy đó là một tác phẩm nghệ thuật ”, đó là lời tâm niệm của họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) khi nói về những tác phẩm của mình. Chính niềm đam mê, sự “thiếu thốn” đã thúc đẩy anh nghiên cứu tìm tòi và làm nên những loại giấy và những tác phẩm tranh bằng giấy mộc mạc mà độc đáo, cuốn hút người xem đến khó cưỡng.

Sự “thiếu thốn” là động lực để tôi làm giấy

Nơi Hải Bằng làm việc là một “xưởng giấy” có phần chật hẹp, nằm trong khuôn viên Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế). Nói là xưởng giấy nhưng thực ra đó là căn nhà gồm 2 phòng nhỏ, trước kia được dành chỗ dạy học cho học viên cao học.

Họa sĩ Phan Hải Bằng giới thiệu quy trình làm tranh giấy.


Khi được hỏi nguyên nhân thúc đẩy anh nghiên cứu và theo đuổi nghề làm giấy, anh trả lời một cách rất thẳng thắn rằng đó là sự thiếu thốn. Bởi anh là một người hoạt động trong lĩnh vức đồ họa với những bức xúc thường trực trong quá trình làm tranh giấy, ấn phẩm thi ca, văn chương độc bản, in ấn đồ họa với yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ mà giấy công nghiệp khó có thể đáp ứng được. Phần vì các loại giấy “xịn” ở các nước phương Tây thì mình cho dù có tiền cũng không mua được.

Từ đó anh có suy nghĩ, tại sao tự mình không làm giấy để phục vụ nhu cầu của mình. Và công việc nghiên cứu làm giấy gắn bó, theo đuổi anh cũng hơn 11 năm nay (từ 2000 đến 2011). Nhưng để thực hiện ý tưởng của mình không hề dễ dàng gì bởi vì lúc đó anh thiếu thốn đủ thứ, từ tiền, cách thức và kinh nghiệm và một xưởng để làm giấy.

“Không biết cơ hội hay là một cái duyên nợ đối với tôi, khi mà năm 2007 tôi may mắn được một học bổng của Quỹ Học bổng châu Á (Asianscholarship Foundation - ASF) do Quỹ Ford bảo trợ. Tôi mới có một chuyến điền dã, nghiên cứu ở Thái Lan trong một dự án nghiên cứu về giấy thủ công châu Á”, anh tâm sự.

Sau một thời gian hơn nửa năm trời “lăn” ra làm ở các xưởng giấy tại các làng quê vùng Bắc Thái Lan, anh thấy mình đã đi đúng hướng và yêu giấy đến “mê muội”.

Sáng tạo độc đáo của giấy “made in” Phan Hải Bằng

Theo anh, loại giấy để thực hiện được đồ họa, vẽ tranh, thể hiện tác phẩm nghệ thuật một cách tốt nhất chỉ có giấy dó. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không bị nhòe khi viết, vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gẫy, ẩm nát. Các loại giấy thủ công như giấy dó (Việt Nam), giấy xuyến chỉ (Trung Quốc) giấy washi (Nhật Bản), giấy sá (Thái Lan)… từ xa xưa đã được các nghệ sĩ, nghệ nhân dùng vẽ tranh, in tranh mộc bản… và những bức sắc phong có tuổi thọ hơn 500 năm đến nay vẫn còn nguyên xi. Nhưng giấy dó bây giờ rất ít do nguồn nguyên liệu khan hiếm, rất ít nơi làm được và nếu có làm được thì chi phí cũng khá cao. Các loại giấy dó bán trên thị trường là loại giấy pha tạp hỗn hợp nhiều thứ nên không thể dùng được. Từ đó anh quyết tâm làm nên loại giấy khác thay thế giấy dó mà vẫn đáp ứng tốt yêu cầu trong sáng tác nghệ thuật.

Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết: Anh làm tranh bằng giấy chứ không phải làm giấy. Bởi vì, loại giấy anh làm ra bản thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật và dùng ý tưởng của mình biến tre, rơm, chuối, mía, bèo, cỏ tranh... đến rác và thậm chí là giẻ nữa cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Những tờ giấy nghệ thuật được họa sĩ  Bằng làm từ tre.

Được Hải Bằng dẫn đi xem qua một vòng xưởng của anh và giảng giải về quy trình sản xuất giấy. Về cơ bản quy trình sản xuất giấy của anh cùng theo phương thức thủ công như quy trình sản xuất giấy dó truyền thống. Nguyên liệu chính để sản xuất là vỏ cây như tre, nứa, lồ ô. Rồi đến các loại sản phẩm phụ của nông nghiệp như: Mía, rơm, chuối, bèo, cỏ tranh đều qua các công đoạn: Bóc tách, ngâm, nấu, giã, xeo, nén, phơi… và hoàn toàn làm bằng tay. Với những đặc tính tự nhiên của vỏ cây được giữ nguyên, các sợi của vỏ cây trên giấy có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Hơn nữa trong quá trình sản xuất không có sự can thiệp của hóa chất nên giấy có độ dai, mịn và thấm hút tốt, độ bền cơ học và tuổi thọ rất cao. Giấy do anh sản xuất ra có trọng lượng riêng bằng khoảng một nửa các loại giấy sản xuất công nghiệp.

Khác với những tờ giấy làm sẵn với khuôn mẫu cố định, kích thước, độ dày, mỏng cố định, cách chủ động làm giấy của Hải Bằng giúp anh có thể làm giấy với bất kỳ loại khổ, độ dày hay chất mặt nào mà anh mong muốn. “Nghĩa là, tất cả đặc tính của giấy đều có thể chủ động được và đó là một sự độc đáo và quyết định sự thành công của một bức tranh đồ họa”.

Họa sĩ Bằng chia sẻ: “Với xưởng giấy này, Trường Đại học Nghệ thuật Huế trở thành trường đầu tiên ở Việt Nam có một xưởng giấy. Điều đó có nghĩa trường sẽ có thêm một phần học mới giúp cho sinh viên học thực hành tốt hơn, đó là điều mình làm được cho trường”.

Nỗi niềm của người họa sĩ

Tuy có niềm đam mê và tâm huyết với giấy như vậy nhưng đến bây giờ anh cũng không mặn mà gì với giấy nữa. Bởi vì anh đang “quá sức” do thiếu kinh phí. Ngoài xưởng giấy do trường cấp và sự ủng hộ bằng tinh thần của mọi người thì anh không có gì cả. Tất cả máy móc, vật liệu, công việc anh đều tự bỏ tiền túi và công sức của mình ra để làm. Trước đây ở trường cũng có một đề án làm gốm và xây dựng được một lò nung nhưng chỉ hoạt động được một thời gian sau đó phải phá bỏ chỉ do thiếu kinh phí.

Bài và ảnh: H. Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN