Thấy những nét văn hóa của đồng bào Mông bị cuốn đi trong cơn lốc “đô thị hóa”, nghệ nhân dân gian Thào Thị Chúa, dân tộc Mông, ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) không khỏi đau lòng. Chính vì vậy mà gần chục năm nay, bà đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc khôi phục những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở Hà Giang.
Giữ nét văn hóa của người Mông
Cơn lốc của lối sống hiện đại đã len lỏi đến những bản làng người Mông ở Hà Giang. Thay vì mặc những bộ áo váy Mông như trước kia thì nay, nhiều bà con dân tộc Mông đã chuyển sang mặc quần áo may sẵn.
Nghệ nhân Thào Thị Chúa hết lòng gìn giữ văn hóa Mông. |
Họ cũng không dành thời gian để tỉ mẩn dệt vải thêu thùa... Và chiếc váy xòe, chiếc khăn vấn đầu sặc sỡ của cô gái Mông cứ ngày càng thưa vắng trong chính cộng đồng người Mông. Không chỉ thay đổi về trang phục, mà ngay cả tiếng khèn gọi bạn tình, vốn là sợi dây gắn kết giữa những đôi nam nữ Mông, giữa đồng bào Mông với bạn bè gần xa, cũng ngày càng thưa thớt, có chăng chỉ còn ở những bậc cao niên. Những người có thể làm được chiếc khèn cũng không còn nhiều...
Từ khi còn nhỏ, bà Thào Thị Chúa đã được mẹ dạy trồng lanh, dệt vải, thêu thùa, rồi hàng ngày được nghe những tiếng khèn Mông, nghe những bài hát giao duyên trữ tình, đằm thắm... Sống trong môi trường đậm chất văn hóa ấy, tình yêu của bà với văn hóa truyền thống ngày càng sâu đậm. Chính vì vậy, khi chứng kiến thế hệ trẻ ngày càng xa rời với văn hóa dân tộc, không còn muốn trồng lanh, dệt vải, không còn biết thổi khèn gọi bạn tình, không biết hát những câu hát giao duyên của người Mông... bà rất buồn, rất tiếc. Vậy là cách đây gần chục năm, bà quyết tâm khôi phục lại vốn văn hóa cổ của người Mông, bằng cách thuyết phục và dạy cho lớp trẻ biết trồng lanh, dệt vải, thêu hoa, biết thổi khèn Mông, biết hát những câu hát giao duyên của dân tộc mình. Bà coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và là trách nhiệm của một người con dân tộc Mông.
Hành trình gian nan
Việc khôi phục lại những trang phục Mông cổ truyền đối với bà Thào Thị Chúa không khó khăn lắm, vì bà vẫn nhớ như in các cách thức dệt vải, thêu hoa văn mà mẹ bà dạy khi xưa, nên dễ dàng có thể truyền lại cho con cháu. Nhưng để vận động được chị em phụ nữ cùng tham gia trồng lanh, dệt vải không hề đơn giản chút nào.
Muốn lôi kéo các em nhỏ, trước hết phải dạy cho chính các con mình. Nghĩ là làm, bà đã dày công hướng dẫn hai cô con gái học cách làm trang phục dân tộc Mông, mặc dù cả hai cô đều đã lớn, có gia đình và công ăn việc làm ổn định.
Khi thấy hai cô con gái bà, một là giáo viên mầm non, một là cán bộ ban xây dựng nông thôn mới của huyện, miệt mài cùng mẹ bên khung cửi, không ít phụ nữ Mông đã cùng bảo nhau tới xem. Dần dần, cùng với những lời khuyến khích, động viên, nhiều phụ nữ Mông cùng các em gái nhỏ đã thấy yêu hơn nghề dệt cổ truyền của dân tộc mình và cũng muốn được tự tay làm ra những bộ trang phục Mông sặc sỡ sắc màu. Không chỉ dạy các em về cách thức để trồng lanh, dệt vải, bà Chúa còn dạy tỉ mỉ, kĩ càng cách mặc ra sao cho đúng chất người Mông. Bà bảo: “Tôi vẫn bảo các con gái rằng, các con có đi đâu thì đi nhưng không được quên nếp cổ truyền của dân tộc mình. Phụ nữ người Mông hãy mặc váy xòe, mặc yếm, quấn khăn vuông, đeo trang sức và đi đứng cho uyển chuyển đúng dáng người con gái Mông”.
Khôi phục những trang phục của người Mông đã khó, nhưng để tiếng khèn của người Mông tiếp tục vang lên trên các bản làng Mông còn khó hơn. Bây giờ, cả bản Mông ở Mèo Vạc cũng chỉ còn lại 2, 3 nghệ nhân biết làm khèn, nhưng họ cũng không muốn làm nữa, vì “làm khèn thì để bán cho ai”. Bà Chúa đã cố công thuyết phục, mời bằng được những nghệ nhân này làm khèn. Một chuyến đi chưa thuyết phục được, bà đi chuyến nữa. Nhiều lần như thế, tấm lòng của bà đã được đáp lại, các nghệ nhân đã đồng ý làm khèn.
Thế rồi bà lại quay ra tập trung các cháu nhỏ đến để học thổi khèn. Bà Chúa kể: “Lúc đầu, khi tôi mới đứng ra động viên các cháu, các gia đình phản đối, không muốn cho đi. Nhưng rồi mình cứ thuyết phục, mỗi tối tập luyện lại mang đến ít bánh kẹo cho các cháu ăn, ngày Tết cũng cho các cháu ít tiền, thế là động viên được các cháu đến tập”. Bà Thào Thị Chúa cho biết, với đồng bào Mông, cây khèn là sợi dây nối liền giữa các dân tộc Việt Nam mà từ lúc sinh thời, tổ tiên người Mông đã có nó. “Cây khèn là biểu tượng cho âm và dương nên tôi rất quý trọng. Tôi muốn khôi phục lại một làng nghề làm khèn là để cho dân tộc tôi, con cháu tôi sau này còn biết đến” - bà Chúa tâm sự.
Hát cho chúng tôi nghe một đoạn dân ca của người Mông, tiếng ca réo rắt gọi bạn tình “Đưa ai thì nàng không đưa, đưa chàng để em đưa, em đưa chàng đến đồi bãi nương, em sẽ tặng cho chàng chiếc nhẫn mà mẹ đã tặng, để đưa chàng bước qua những ngày tháng chúng mình còn lại bên nhau”, bà Chúa bảo, “bài ca người Mông hay thế, tiếng khèn tuyệt vời thế, bằng giá nào tôi cũng phải giữ lại”.
Bài và ảnh: Minh Anh