Với khoảng 35 vai diễn về Bác Hồ trong các thể loại sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình... đến nay, nghệ sỹ Tiến Hợi (Nhà hát Kịch Hà Nội) “giữ kỷ lục” là người được đóng vai Bác Hồ nhiều nhất. Được “trời phú” cho đôi mắt sáng, cùng ngoại hình tương đối giống Bác, cộng thêm việc chịu khó nghiên cứu, tập luyện nên Tiến Hợi đã rất thành công khi thể hiện hình tượng Bác Hồ.
Người đóng Bác Hồ thành công nhất
Cơ duyên đưa Tiến Hợi đến với vai Bác Hồ bắt đầu từ năm 1987, lúc anh đang công tác tại đoàn kịch Trường Sơn. Khi ấy, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng vở kịch “Đêm trắng”, vở kịch đầu tiên về Bác Hồ với việc chống tham nhũng. Trong vở diễn, Bác đã thức trắng đêm với bao trăn trở, đau đớn khi đưa ra quyết định xử tử Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham ô, biển thủ công quỹ. Trong số các diễn viên được thử vai Bác Hồ, Tiến Hợi là người có ngoại hình giống Bác nhất. Vậy là anh được đạo diễn giao đóng vai Bác Hồ. Nghệ sỹ Tiến Hợi tâm sự: “Lúc ấy, tôi vừa bất ngờ, vừa lo lắng. Bất ngờ vì mình còn trẻ nhưng lại được giao vai diễn lớn, nhưng tôi rất lo lắng vì không biết sức mình có đảm nhiệm được vai diễn quá tầm như vậy không...”.
Nghệ sĩ Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Được anh em trong đoàn động viên, Tiến Hợi dành rất nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu vai diễn của mình. Anh đề nghị được xem các phim tư liệu về Bác để bắt chước phong cách, thần thái, động tác của Bác trong khi làm việc, trong đời sống thường ngày... thu lại giọng nói của Bác vào băng ghi âm để về nghe... Ròng rã 3 tháng trời với một lịch trình gần như cố định: Sáng lên sàn diễn luyện tập, chiều xem phim tư liệu về Bác, tối về lại nghe băng ghi âm để luyện giọng sao cho giống giọng nói của Bác...
Đến tận bây giờ, nghệ sỹ Tiến Hợi vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp và vui mừng trong đêm đầu tiên công diễn vở “Đêm trắng” ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh kể lại: “Sau buổi diễn, có khán giả đã vào tận phòng hóa trang xin gặp diễn viên đóng vai Bác Hồ, rồi họ rất ngạc nhiên vì thấy diễn viên đóng vai Bác Hồ còn trẻ quá. Sau này, vở kịch “Đêm trắng” được diễn gần 300 đêm ở các tỉnh, thành phía Bắc. Đi đến đâu, đoàn cũng được nhân dân nhiệt tình đón nhận, cổ vũ.
Sau thành công của vai Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng", Tiến Hợi đã được nhiều đạo diễn “để mắt” đến mỗi khi có một tác phẩn sân khấu, điện ảnh nào có sự xuất hiện của Bác Hồ. Khi quyết định bấm máy bộ phim truyện “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, bộ phim kể về cuộc đời Hồ Chí Minh khi Người còn trẻ, đang nung nấu ước nguyện ra đi tìm đường cứu nước, đạo diễn Long Vân đã không ngần ngại chọn Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành. Để thể hiện thành công vai diễn, Tiến Hợi đã vào Huế, tìm gặp các cụ già sống cùng thời với Bác để tìm hiểu xem thanh niên thời đó nghĩ gì, làm gì và sống như thế nào...? Từ đó, anh luyện tập và thể hiện vai diễn về một thanh niên trong sáng, giàu nghị lực, sống mộc mạc, chân chất... nhưng đầy lý tưởng và hoài bão. Đến năm 1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mời anh vào vai Hồ Chủ tịch lịch lãm, kiên định, trong phim "Hà Nội, mùa đông năm 46". Và sau này, trong nhiều bộ phim, vở kịch sân khấu khác, nhiều đạo diễn đã tín nhiệm mời anh đóng vai Bác Hồ.
Kỷ niệm khó quên
Mỗi lần đóng vai Bác Hồ đều để lại những kỷ niệm đáng nhớ đối với nghệ sỹ Tiến Hợi. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh là khi anh đi diễn vở "Đêm trắng" ở Việt Trì (Phú Thọ). Khi ấy, mọi người đang chăm chú xem kịch, đến đoạn Bác trăn trở về việc quyết định xử tử vị cán bộ tham nhũng, có một cụ già đứng lên giơ tay: "Thưa Bác, cho cháu được phát biểu ý kiến", khiến khán giả cười ồ. Nhưng cụ già vẫn nhất quyết đòi được “có ý kiến với Bác”, vậy là anh em trong đoàn đành đưa cụ vào sau cánh gà đợi. Khi nghệ sỹ Tiến Hợi từ sân khấu bước vào sau cánh gà, cụ già đã sụp xuống lạy, anh vội vàng đỡ cụ dậy và nói: “Cụ ơi, cháu chỉ là diễn viên đóng vai Bác Hồ thôi”, nhưng cụ bảo: "Tôi biết, nhưng giống quá, giống quá, tôi xem như thấy Bác đang đứng cạnh tôi...”. Hỏi ra mới biết, xưa cụ già có tham gia kháng chiến chống Pháp, đơn vị của cụ được đón Bác đến thăm, cụ đã được gặp và nói chuyện với Bác. Nay thấy anh đóng giống Bác quá nên không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Nghệ sỹ Tiến Hợi tâm sự, khó khăn nhất trong việc đóng vai Bác là làm thế nào thể hiện được thần thái, cốt cách của Bác: Trước kẻ thù, Người sang trọng, lịch lãm, nhưng ánh mắt phải đanh thép. Trước đồng bào, nhân dân, chiến sỹ, Người lại hết sức trìu mến, yêu thương. Hay việc thể hiện cảm xúc của Bác như vui mừng, trăn trở, nóng giận... Suốt một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu để đóng vai Bác Hồ, hình ảnh Bác Hồ đã in đậm trong anh, đến nỗi nhắm mắt lại là anh có thể hình dung được hình ảnh, giọng nói Bác Hồ trong từng giai đoạn lịch sử. “Được hóa thân vào một nhân vật nổi tiếng, một anh hùng dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào song áp lực cũng rất lớn, bởi hình tượng Bác Hồ đã ăn sâu vào tâm tưởng mỗi người dân Việt Nam. Để thuyết phục được khán giả, tôi đã phải cố gắng rất nhiều, sao cho từng cử chỉ, hành động, lời nói giống Bác nhất”, nghệ sĩ Tiến Hợi bộc bạch.
Phương Lan