Nghệ thuật truyền thống khó tiếp cận khách du lịch

Trong khi du khách đến Hà Nội luôn lặp lại điệp khúc “ăn tối – rối nước” sau một ngày tham quan, thậm chí, các cơ quan quản lý du lịch lẫn các công ty lữ hành luôn “đau đáu” suy nghĩ "xây dựng sản phẩm du lịch gì cho hấp dẫn để giữ chân du khách" nhưng xem ra, việc đưa nghệ thuật truyền thống, sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội đến với du khách quả không dễ gì.


Nhà hát Tuồng ở trung tâm thủ đô nhưng vẫn chưa hút khách du lịch



Các nhà hát, các câu lạc bộ nghệ thuật của Hà Nội cũng đã ý thức rất lâu việc xây dựng các chương trình nghệ thuật điển hình để thu hút du khách. Bởi ngoài việc giữ gìn, phát huy, quảng bá nghệ thuật truyền thống, nó còn là nguồn sống của chính những người trong cuộc. Nhưng rất nhiều đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ nghệ thuật chỉ có Nhà hát múa rối Thăng Long là thành công trong việc này. Còn các nhà hát, câu lạc bộ khác như Nhà hát chèo Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long “gồng” mình với đến khách du lịch nhưng lại luôn trong tình trạng “hụt hơi”.

Những năm trước, Nhà hát Chèo Hà Nội được sự bảo trợ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội xây dựng một chương trình riêng phục vụ khách du lịch “Trẩy hội ngày xuân” khá công phu, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật: chèo, xiếc, ca trù, lên đồng, quan họ… rất phù hợp với du lịch. Sau những buổi ra mắt, hội thảo, có sự tham dự của gần một trăm công ty lữ hành nhưng cuối cùng Nhà hát Chèo Hà Nội cũng không đón được nhiều khán giả từ các công ty đưa tới. Đối với ca trù Hà Nội đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã đưa nghệ thuật đặc biệt này phục vụ cho du khách đến tìm hiểu, khám khá phố cổ bằng cách mở địa điểm hát ca trù tại đền Quán Đế (28 Hàng Buồm) và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây thì du khách đến nghe hát cũng chỉ đếm được quá đầu ngón tay.

Lý giải tại sao các công ty du lịch chưa khai thác nhiều loại hình du lịch truyền thống vào phục vụ du khách, bà Nguyễn Xuân Tú, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, cho biết: các công ty du lịch rất muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách nhằm làm phong phú sản phẩm tour. Tuy nhiên, các điểm biểu diễn này chưa đáp ứng đư ợc yêu cầu phục vụ du khách. Đó là giao thông không thuận lợi, không có điểm đỗ xe đón trả khách; cơ sở vật chất tại các điểm biểu diễn chưa đảm bảo tiện nghi; các chương trình biểu diễn chưa thật phong phú và lịch diễn cũng không phù hợp.

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội còn cho rằng: muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch cần phải quy hoạch thành các điểm biểu diễn tốt, chương trình hấp dẫn. Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội do Sở đang xây dựng có chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể nhằm khơi dậy nét riêng có của Hà Nội.


Đinh Thị Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN