Tết đã bắt đầu vãn nhưng sắc xuân hãy còn hây hây khắp các làng quê, ngõ xóm ở Quảng Bình. Những ngày này, nhiều người dân Quảng Bình đã chọn chùa Non, núi Thần Đinh (thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) làm điểm đến cầu quốc thái, dân an, họ hàng làng mạc yên bình, làm ăn phát đạt...
*Chung một lời cầu quốc thái, dân an Núi Thần Đinh từ sáng sớm khi màn sương còn mờ che chưa nhìn thấy đỉnh, hàng trăm người đã có mặt. Như mọi năm, để góp phần nâng đỡ bước chân cho những cư dân chuẩn bị cho một hành trình dài vượt hơn ngàn bậc đá dựng đứng lên với đỉnh vùng đất đa phật-Thần Đinh, ngay dưới chân núi, các tăng ni, phật tử Chùa Kim Phong đã chuẩn bị sẵn Lễ mừng xuân Di lặc nguyện cầu đất nước Việt Nam thanh bình, nhân dân an lạc.
Du khách đến núi Thần Đinh lễ đầu năm. Ảnh: laodong.com.vn |
Đại đức Thích Trung Sơn, trụ trì chùa Kim Phong cho biết: đã trở thành lệ, dịp đầu năm nhà chùa tổ chức lễ cho mọi người cầu nguyện quốc thái, dân an, cởi bỏ áo tục, hướng thiện để nhẹ bước tang bồng lên đỉnh núi, đến ngôi chùa đa phật cầu nguyện hạnh phúc cho chúng sinh…
Gia đình bác Hoàng Nam Sơn, ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới - Quảng Bình dậy từ rất sớm để chuẩn bị lễ vật lên chùa Non, núi Thần Đinh cầu chúc cho một năm mới an lành. Bác Sơn năm nay đã 68 tuổi cùng đi với bác gái nên có phần lo lắng cho chuyến đi này. “Hai thân già này, không biết có còn leo lên được núi Thần Đinh, đến chùa Non để cầu Phật, khấn trời nữa không đây?" - Bác Sơn tâm sự.
Tuy nhiên, với bác, tâm nguyện lên đến đỉnh núi để được gần hơn với trời, Phật thì thông suốt lắm. Hai bác đã chuẩn bị kĩ càng cho hành trình này, cũng học kinh nghiệm của bao nhiêu người đi trước. Bác Sơn chia sẻ, đường dài khó đi nhưng phải luôn tâm nguyện “khắc đi, khắc đến”. Nếu có mệt thì chậm bước chân, miệng cầu Phật, khấn trời chắc chắn sẽ đến được đích…
Cũng có tâm nguyện như bác Sơn, nhưng anh Trần Minh, ở quận Hoàng Mai - Hà Nội thì nhẹ nhàng hơn bởi tuổi anh hãy còn trẻ nên việc vượt ngàn bậc đá lên đỉnh Thần Đinh không khó. Vốn quê ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh nơi cũng gần với ngọn núi Thần Đinh linh thiêng nên nếu có dịp về thăm quê thế nào anh cũng lên đây vãn cảnh, viếng chùa để cầu mong cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc.
Anh Minh cho biết: anh cũng hay đi chùa, khấn Phật ở nhiều nơi nhưng có lẽ trong tâm thức của anh sự linh ứng không nơi nào như ở Thần Đinh và chùa Non này. “Có lẽ do phong cảnh ở đây vẫn còn nguyên dạng với rừng xanh, núi cao yên bình, tĩnh lặng cộng với chùa cổ rêu phong hoặc do mình là con em quê hương nên mới cảm nhận trọn vẹn thông suốt sự linh ứng ấy chăng?”- anh Sơn chia sẻ…
Trên con đường cheo leo của hơn một ngàn bậc đá để lên với đỉnh Thần Đình và chùa Non, rất nhiều cụ ông, cụ bà chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng họ vẫn cố gắng nhích lên tầng bậc đá để đến với cái đích mà mình luôn ao ước, đó là đến được vùng đất Phật để gửi lời cầu chúc. Và không chỉ có người già, người lớn tuổi mới có tâm thức cao quý đó mà lớp trẻ hôm nay, từng tốp, từng tốp cầm tay, vịn vào nhau, thậm chí kéo nhau qua những bậc đá cao cùng lên được đỉnh núi Thần Đinh, đến chùa Non để chung lời đồng thanh cầu cho quốc thái, dân an…
Cậu học sinh Trần Công Cường, lớp 11, Trường PTTH huyện Quảng Ninh cho biết: không những Tết mà nếu có dịp rảnh rỗi là chúng em tổ chức lên thăm núi Thần Đinh. “Lên Thần Đinh để cầu nguyện là tuyệt nhất và xin nước ở Giếng tiên về chữa bệnh cho gia đình thì không còn gì bằng. Chuyện kể về Đầu Mâu một ngọn núi khác ở tỉnh Quảng Bình đa tiên, còn Thần Đinh đa Phật mãi mãi là câu chuyện huyền bí mà không nơi nào có được ” - Cường tiết lộ.
* Núi Thần Đinh, chùa Non - điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn Nằm cách thành phố Đồng Hới về hướng Tây Nam khoảng 20 km, du khách có thể bằng đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh hoặc đi ngược dòng sông Nhật Lệ gặp sông Long Đại để đến núi Thần Đinh, chùa Non thật dễ dàng. Từ trên núi Thần Đinh nhìn ra xa có thể thấy cửa biển Nhật Lệ, sông Kiến Giang, sông Long Đại, như ba con rồng uốn lượn giữa lòng hai huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, hoà nhập trong sắc màu của ruộng lúa, nương ngô và cỏ xanh màu ngọc bích thật thích mắt...
Theo các nhà nghiên cứu, núi Thần Đinh quả thực độc đáo bởi nó là phần đá vôi cuối cùng trong mạch nguồn chạy từ Trung Quốc về nước ta. Trên đỉnh núi Thần Đinh ấy, có ngôi chùa cổ tương truyền được xây dựng vào năm Chánh hoà thứ 21, đời vua Lê Hy Tông (1680-1705), do sư thầy An Khả trụ trì. Chùa nằm trên núi cao nên cư dân bản địa quen gọi là chùa Non. Chùa Non cũng còn có một tên khác là chùa Kim Phong để chỉ sự tốt đẹp như vàng của những phong tục văn hoá đậm đà thuần khiết nơi đây.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, Thần Đinh, chùa Non không chỉ thu hút du khách với phong cảnh hữu tình mà cao hơn cả là câu chuyện tương truyền về vùng đất “đa phật” qua lời truyền tụng dân gian rằng: “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”.
Cụ Nguyễn Tú-Nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Bình trong cuốn Những nét đẹp về văn hoá cổ truyền Quảng Bình đã từng viết: “Đầu Mâu nhiều tiên hay không, không ai thấy cũng chẳng ai rõ, duy núi Thần Đinh thì có Phật thật, vì ở đó có ngôi chùa thờ Phật, đến nay còn có dấu tích rõ ràng…”.
Cùng với thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, dấu tích chùa Non trên đỉnh Thần Đinh chỉ còn lại một am thờ, một chút móng, ít gạch đá, tường cổ bị đổ nát đầy rêu phong. Cùng với đó, chỉ một mạch nguồn nhỏ đổ ra từ trong lòng núi cũng đủ làm nên câu chuyện ly kỳ mà đẹp đẽ về nước Giếng tiên chữa được bách bệnh.
Những câu chuyện tâm linh tương truyền về Thần Đinh và chùa Non thì có nhiều nhưng đọng lại mãi với thời gian là những tấm lòng của những con người cởi bỏ áo tục, hướng thiện để lên với vùng đất “đa phật” thành tâm cầu nguyện cho quốc thái, dân an, họ hàng làng mạc được yên bình, làm ăn phát đạt.
Mạnh Thành