Sáng 23/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ khánh thành quần thể tháp Chăm. Tại đây, đồng bào Chăm đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang... cùng các đại biểu và quan khách quốc tế, các nhân sĩ trí thức, nghệ nhân đã được chứng kiến các nghi thức truyền thống: Lễ mở cửa tháp, lễ Katê, chính thức thổi hồn vào quần thể tháp Chăm tại Hà Nội.
Thầy cúng chuẩn bị làm lễ mở cửa tháp Chăm. |
Từ nhiều ngày trước, cộng đồng người Chăm đã đến Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nhất của người Chăm. Buổi sáng 23/11, bà con đã dậy thật sớm, chuẩn bị đồ cúng tế cho các nghi lễ.
Đúng 9 giờ sáng 23/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã tuyên bố khánh thành quần thể tháp Chăm và bày tỏ niềm vinh dự tự hào khi trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có biểu tượng văn hóa mà đồng bào Chăm quan niệm là linh hồn của họ, đó là ngôi tháp cổ PoKlong Giarai. Đại diện cho đồng bào Chăm, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Sử Văn Ngọc (tỉnh Ninh Thuận) đã bày tỏ niềm tin tưởng khu quần thể tháp Chăm, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là điểm đến của đồng bào, bè bạn và du khách trong nước và quốc tế. Điều này đã nói lên sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và to lớn đối với các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng...
Sau Lễ khánh thành, các nghi lễ của Lễ Katê - Lễ mở cửa tháp được bắt đầu với Lễ đón rước y trang, Lễ mở cửa tháp, Lễ tắm và mặc y trang cho tượng thần, đại lễ cầu an và dâng lễ vật lên thần linh. Sau khi các nghi lễ hoàn tất, đồng bào Chăm đã biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi… tại sân hội của khu tháp Chăm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Sử Văn Ngọc, tháp Chăm gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm, với hai mặt hài hòa với nhau, cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Về văn hóa vật chất, tháp Chăm thể hiện nghệ thuật kiến trúc điêu khắc tột đỉnh của nền văn hóa Chăm. Mặc dù qua từng thời gian, qua từng thời kỳ có những dạng kiến trúc với mẫu mã hoa văn khác nhau, nhưng tất cả các tháp Chăm đều được xây bằng gạch, có những hoa văn lửa thiêng cách điệu ở các góc, hoa văn lửa thiêng này thể hiện cho ngọn lửa bất diệt đối với đồng bào người Chăm.
Còn về văn hóa tinh thần, tháp Chăm là biểu tượng thiêng liêng để người Chăm thờ phụng. Người Chăm quan niệm, tháp này là linh hồn của họ để tưởng nhớ đến vị vua chúa đã có công với dân tộc, mang lại ấm no cho dân tộc. Chính vì là nơi thiêng liêng, nên khi xây tháp, người Chăm luôn đặt tháp trên đồi cao, thoáng mát để tránh xa bụi trần, không bị ô uế... Cũng theo nhà nghiên cứu Sử Văn Ngọc, tháp luôn có 3 tầng thể hiện bản thân 3 vị thần nhất thể, đó là thần Sáng tạo, thần Bảo tồn và thần Hủy diệt. Bởi theo quan niệm của người Chăm, có tạo ra, có hủy diệt thì mới có phát triển...
Lễ khánh thành quần thể tháp Chăm được tổ chức đúng vào Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam càng nhân lên giá trị, sức sống của văn hóa Chăm trong văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp quảng bá, giới thiệu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm mà còn là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lan Lộc